“Trò đời” – Phiên bản lỗi của “Số đỏ”

10:00:00 02/12/2013

Việc chuyển thể những tác phẩm văn học kinh điển thành phim ở Việt Nam không thực sự nhiều. Bởi vậy, từ trước khi ra mắt, bộ phim truyền hình “Trò đời” của đạo diễn Nhuệ Giang (chuyển thể kịch bản từ 3 tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng: Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây, Số đỏ) đã thu hút rất nhiều sự chú ý.

Tuy nhiên, sau 31 tập, những gì bộ phim đem lại cho khán giả vẫn không đáp ứng được mong đợi. Một phần vì điện ảnh nước nhà chưa đủ thực lực cũng như kinh phí để làm ra một tác phẩm xứng tầm với bút pháp của cụ Vũ Trọng Phụng. Một phần vì bản thân bộ phim này có khá nhiều sạn.

Đảm nhiệm vai chính “Xuân tóc đỏ” có lẽ sẽ là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp diễn xuất của Việt Bắc dù rằng anh mới chỉ tốt nghiệp trường Sân khấu & Điện ảnh 2 năm. Không thể phủ nhận những cố gắng của Việt Bắc trong nỗ lực diễn sao cho ra một anh Xuân với diễn biến hành động và tâm lý phức tạp, thậm chí anh đã cố gắng thử lồng tiếng 2 tập đầu của bộ phim trước khi buộc phải nhường lại vị trí đó cho NSUT Công Lý. Bản thân vai “Xuân tóc đỏ” đã là một áp lực quá lớn, là hình ảnh mà người xem chú ý nhiều nhất, rồi làm phép so sánh với diễn viên Quốc Trọng đóng “Số đỏ” năm 1990. Việt Bắc thực sự đuối khi phải thể hiện hình ảnh hợp nhất giữa “Xuân tóc đỏ” trong tiểu thuyết “Số đỏ” và “Xuân tóc đỏ” của phim “Trò đời”.

Ngay từ tạo hình nhân vật đã là một hạt sạn lớn khi tóc anh Xuân lại là màu…vàng cháy, ăn mặc thì lại hơi bảnh bao thái quá, điệu bộ đủng đỉnh cố tỏ ra nguy hiểm vô học của “Xuân tóc đỏ” thì Việt Bắc lại diễn theo cách hơi trơ trẽn, lấc cấc. Một trong số đó là ở tập 30, trong phân đoạn “Xuân tóc đỏ” tranh cãi với Văn Minh về chuyện “làm hại đời” cô Tuyết bằng cách nhấn mạnh cụm từ “chỉ đáng nhổ vào mặt”, Việt Bắc đã diễn có phần hơi cường điệu. Phân đoạn ngay sau đó khi Xuân gặp vợ chồng ông Phán để thẳng thừng tuyên bố rằng: “Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng” thì người xem lại không thấy được sự ngờ nghệch, thiếu hiểu biết của Xuân…Tạo hình các nhân vật như cô Tuyết (Chi Mai thể hiện), Văn Minh (Chiến Thắng), ông TYPN (Quang Thắng) cũng không gây được nhiều cảm tình…

Dù rằng bộ phim “Trò đời” không phải chuyển thể kịch bản hoàn toàn từ “Số đỏ” mà là sự kết hợp, pha trộn cùng với các tác phẩm khác là “Kỹ nghệ lấy tây”, “Cơm thầy cơm cô” nhưng phần lớn nội dung vẫn tập trung vào “Số đỏ”. Bởi vậy, việc tôn trọng nguyên mẫu “Xuân tóc đỏ”, ít nhất là về mặt tính cách, thần thái nhân vật là điều nên làm. Đối với những khán giả trẻ chưa đọc hết cả 3 tác phẩm kể trên, “Trò đời” sẽ là một bộ phim dễ dàng được tiếp nhận bởi sự nhẹ nhàng thuần túy. Thế nhưng đối với thế hệ những người yêu mến nhà văn Vũ Trọng Phụng, đặc biệt hơn nữa là những người đã từng hài lòng đón nhận bộ phim “Số đỏ” năm 1990 hẳn sẽ không thể “thông cảm” với “Trò đời”.

Điểm sáng gần như duy nhất ở “Trò đời” là những cố gắng bám sát vào lịch sử Việt Nam những năm 30-40. Từ trang phục, đến cảnh quay đều khá ổn. Việc lồng ghép 3 tác phẩm văn học thành phim của đạo diễn Nhuệ Giang là một ý tưởng khá liều lĩnh và dũng cảm khi mà “Số đỏ” 1990 đã có được quá nhiều sự yêu mến của khán giả Việt Nam. Nhưng giá như bà sát sao và kỹ lưỡng hơn trong việc chọn diễn viên, hoặc bằng cách nào đó đặt dấu ấn của mình để họ “cảm” được tác phẩm nguyên gốc sâu hơn thì có thể, “Trò đời” sẽ tinh tế và bớt nhàm chán hơn…

Nhi Hexe (depplus.vn)

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1