Sách văn học Nga tại Việt Nam: Sông Đông… xa rồi

07:37:00 14/11/2013

Sách văn học Nga, một thời tràn ngập ở các hiệu sách và trong thói quen đọc của nhiều người, thì giờ hầu như vắng bóng trên thị trường.

Những cuốn sách văn học Nga Xôviết từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ. Ảnh: Q.B

Từ các tác phẩm kinh điển như Anna Karenina, Tội ác và trừng phạt, đến những Sông Đông êm đềm, Tên anh không có trong danh sách, Nghệ nhân và Margarita, rồi Đất vỡ hoang, Giamilia - truyện núi đồi và thảo nguyên...

- không thể nhìn mãi về quá khứ, nhưng có điều chắc chắn là văn học (VH) Nga một thời đã bồi đắp đời sống tinh thần của rất nhiều người đọc Việt Nam, không phải chỉ bằng sự lấn át của dòng VH Nga so với các dòng VH khác, mà chính bằng những giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Nhưng trước dồi dào thế nào, thì mười mấy năm gần đây, số đầu sách Nga chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị làm sách hàng đầu phía Nam, cho biết, cuốn gần nhất mà NXB này làm là từ cuối năm 2010 - tập nghiên cứu - thơ Olga Berggoltz của tôi do dịch giả Thụy Anh thực hiện.

Trước đó, khoảng cách tính bằng năm, là Vô hồn (2007) hay gần hơn là Tuần đêm (tháng 3.2010)... Trong số 3 cuốn “gần đây nhất” này, chỉ Olga Berggoltz và Vô hồn bán khá tốt, còn Tuần đêm hầu như không một tiếng vang!

Còn ở Hà Nội, Cty văn hóa truyền thông Nhã Nam - nơi rất mạnh về VH dịch, cũng chỉ xuất bản VH Nga một cách rất nhỏ giọt, với vài đầu sách của một số ít tác giả quen thuộc, hướng đến một phân khúc thị trường khá chắc chắn, như một số cuốn dành cho thiếu nhi (Cá sấu Ghena, Bác Phiodor, con chó và con mèo...) hay tập truyện ngắn lãng mạn Những lối đi dưới hàng cây tăm tối...

Nguyên nhân, một phần, độc giả không còn mặn mà với VH Nga nữa, khi ngày nay họ có quá nhiều lựa chọn. Quan tâm đến VH Nga chủ yếu là thế hệ 7x trở về trước - những người ít nhiều biết đến thời kỳ Liên Xô và dòng VH Nga - Xô lấn át ở VN thời kỳ đó.

Giờ là những lớp độc giả trẻ hơn, sống nhịp sống nhanh hơn với cách nhìn nhận cuộc sống hiện đại, mạnh mẽ, nên gu đọc của họ thích hợp hơn với dòng VH hành động, tâm lý của Mỹ, của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đương đại. Cuốn Chàng thiếu niên của Dostoyevsky của NXB Trẻ ra mắt năm 2006, in chỉ 1.000 cuốn, nhưng hầu như không bán được bao nhiêu.

Bối cảnh kinh tế, xã hội hai nước thay đổi cũng tác động đến việc làm sách VH Nga ở VN. Người dịch VH Nga không còn nhiều, các dịch giả tiếng Nga quen thuộc giờ đã chuyển sang việc làm khác. Nhuận bút dịch lại bèo bọt, nếu trả theo giá thị trường hiện nay thì các đơn vị làm sách hầu như không trả được.

“Đầu ra không bù đắp nổi thì trả thế nào. Họ dịch chủ yếu là vì yêu thích mà thôi” - một dịch giả tiếng Nga kỳ cựu ở Hà Nội - vài năm nay cũng đã tạm rời dòng văn học này, nói. Còn nhớ, mười mấy năm trước, Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây làm lại bộ Dostoyevsky 6 tập, nhưng chỉ được 4 tập thì phải dừng vì... không đủ sức, khi bản dịch cũ mỗi tập phải hiệu đính lại mất tới 5 - 6 tháng. Kỳ công thế, nhưng dịch giả không đủ sống, và độc giả không đủ nhiệt tình đón nhận.

Tuy nhiên, sự thoái trào của VH Nga ở VN không chỉ từ phía VN. Trong khi hiện gần như mọi kết nối có thể thực hiện qua Internet, thì ngành xuất bản Nga ít kết nối với thế giới xuất bản. Họ cũng không quảng bá giao lưu nhiều với các nước, việc tìm kiếm một đại diện của ngành xuất bản Nga thực sự khó khăn - giám đốc một công ty làm sách ở miền Bắc cho biết.

Ngoài ra, theo dịch giả - nhà thơ Thụy Anh, ngay ở Nga cũng không có các tác phẩm, tác giả văn học đương đại nổi bật. Sách Nga không hot trên thế giới và cũng không tạo thành một thị trường. Cuốn Vô hồn viết về thực trạng, tâm sự những người Nga thế hệ mới, nhưng ngay cả ở Nga, người đọc Nga cũng vẫn chuộng các tác phẩm kinh điển hơn là lối viết nhanh và không khí xô bồ của cuốn này.

Dịch giả Thụy Anh còn nhìn nhận một khía cạnh khá thú vị nữa để VH Nga có thể phổ biến ở VN, đó là việc PR cho tác phẩm không được mạnh mẽ. Olga Berggoltz một phần là công trình khảo cứu với cách nhìn mới mẻ về nhà thơ nữ tên tuổi này, Vô hồn một phần là về cuộc sống đương đại, nhưng phần khác là được báo chí và các tác giả, dịch giả, NXB tự quảng cáo, giới thiệu trên báo chí mạnh mẽ, nên bán khá tốt.

Còn Tuần đêm - cuốn sách giả tưởng pha chút kinh dị, với lối viết sắc sảo, tinh tế, mới đây lại được đưa ra hội chợ sách lớn nhất ở TPHCM, nhưng cũng không được bạn đọc quan tâm.
Thực tế thì dòng sách VH Nga ở VN vẫn có những đơn vị đang làm, một cách đơn lẻ và lặng lẽ. Mới đây, tập thơ Tâm của Maria Tsvetaeva do Phạm Vĩnh Cư dịch (NXB Hội Nhà văn, 2012) được giải thưởng dịch thuật 2013 của Hội Nhà văn Hà Nội, hay sắp tới, Nhã Nam sẽ làm lại Cánh buồm đỏ thắm với minh họa mới, Đông Tây cho ra tập khảo cứu Những người Nga đầu tiên đến VN, tác giả Dostoyevsky hay một số sách triết học, nghiên cứu Nga cũng đang được các nơi thực hiện... “Có chuyển động, nhưng không hệ thống” - nhà thơ, dịch giả Thụy Anh - Phó GĐ Quỹ Hỗ trợ Quảng bá Văn học Nga - nhận xét. Vẫn biết rằng sự đa dạng của thị trường sẽ đem đến nhiều làn gió mới mẻ hơn, và khoảng trống VH Nga, tuy không phải là không thể lấp đầy về mặt tri thức bằng những làn gió khác, nhưng đó là sự tiếc nuối về một giá trị tâm hồn và chiều sâu ký ức của nhiều thế hệ.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1