Bên Rặng Tuyết Sơn (Spirit Of Himalaya: The Story Of A Truth Seeker) là quyển sách mới trong bộ sách khoa học tâm linh nổi tiếng của dịch giả Nguyên Phong. Cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc một tác phẩm tuyệt vời nhất về nghiên cứu và sự mộ đạo.
Khơi nguồn từ vùng núi Himalaya xa xôi và vùng đồng bằng Ấn Độ, Bên Rặng Tuyết Sơn mang đến cho bạn đọc những sự thật vĩ đại về tâm linh và vai trò của việc làm chủ tâm linh cũng như làm chủ số phận. Tác phẩm còn khơi dậy những giá trị cao đẹp như: Tính trung thực, trái tim bao dung, lòng trắc ẩn, sự thông thái, lòng tín ngưỡng và tình yêu bao la.
Câu chuyện bắt đầu từ việc Satyakam đến thung lũng Saraswati để tầm sư học đạo. Nhưng không ngờ rằng, khi đến đây, thì vị đạo sư già đã chờ anh rồi, không những thế, ông còn nói đúng tên anh và biết anh đến gặp ông để làm gì dù rằng anh chưa hề xưng tên cũng như chưa nói mục đích của mình đến đây.
Bài học đầu tiên của Satyakam là quên đi thời gian. Việc này nghe qua tưởng chừng như đơn giản nhưng khi bắt đầu thực hiện lại không đơn giản chút nào. Cũng như việc lắng nghe những âm thanh của vũ trụ như tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng nước reo cũng không dễ dàng thực hiện nếu trong lòng ta vẫn còn nhiều tạp âm. Chúng ta sẽ được trải nghiệm những giây phút bình yên thông qua chuyến hành trình đi tìm chân lý của Satyakam dưới sự hướng dẫn của vị đạo sư trong dãy núi Tuyết Sơn để hiểu rõ hơn về sức mạnh vĩnh hằng của thế giới tâm linh cũng như khám phá chính tiếng nói nội tâm của bản thân mình.
Về tác giả
Swami Amar Jyoti sinh trưởng tại Ấn Độ. Tuy xuất thân trong một gia đình giàu có, nhưng từ nhỏ ông đã thích sống giản dị và thường dành nhiều thời giờ trầm tư mặc tưởng hơn là vui chơi như các bạn đồng niên. Tốt nghiệp trung học, ông ghi tên vào Đại học Bombay và trở thành một sinh viên xuất sắc về Toán cũng như Khoa học. Trong thời gian học đại học, ông thường bị một cảm giác kỳ lạ thôi thúc, “một sự thiếu thốn lạ lùng” mà ông không tài nào lý giải nổi. Khoảng một tháng trước ngày tốt nghiệp, ông chợt nhận ra rằng cảm giác kỳ lạ ấy chính là nhu cầu về tâm linh. Ông bỏ học, lang thang khắp xứ Ấn, tìm thầy học đạo.
Ông đã theo học với nhiều đạo sư đương thời nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì học được. Vì cảm giác kỳ lạ kia vẫn thôi thúc, nên sau một thời gian tu học trong các đạo viện, ông lên Tuyết Sơn tu nhập thất. Ông tu tập nội quán trong một hang đá suốt 12 năm ròng cho đến khi cảm giác kỳ lạ kia chấm dứt mới xuống núi dạy đạo và thu tập môn đệ. Ông đề cao việc thực hành và khuyên mọi người hãy cố gắng tìm sự hoàn hảo ngay trong chính con người mình thông qua công phu tu tập nội quán dù theo bất cứ một tôn giáo hay pháp môn nào, vì “chỉ có các nỗ lực thực hành mới đưa con người đến chân lý”.