Hiện nay, các gia đình chỉ có từ một đến hai con. Con cái ngay từ nhỏ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cha mẹ. Đối với cha mẹ, con cái luôn thông minh, đáng yêu và là niềm hi vọng của cả gia đình. Vì thế, dành cho con những điều kiện tốt nhất trở thành ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh.
Khi con đến tuổi đi mẫu giáo, phụ huynh nên cẩn thận lựa chọn trường phù hợp nhất cho con mình. Khi con trẻ rời xa sự che chở của cha mẹ, hòa nhập vào cuộc sống tập thể ở trường mẫu giáo cũng là lúc cha mẹ có rất nhiều lo lắng. Họ lo lắng: con của mình ăn có no không, ngủ có ngon không, có bị các bạn nhỏ khác bắt nạt không, có được giáo viên yêu quý không,... Các em nhỏ mới đi học mẫu giáo thường hay quấy khóc vì chưa quen với môi trường mới, cha mẹ thấy thế thì rất thương xót. Khi nghe giáo viên khen ngợi con mình, phụ huynh rất phấn khởi. Khi giáo viên nói về những điểm chưa tốt của con, phụ huynh cảm thấy không vui. Vậy, làm thế nào để phụ huynh và giáo viên có thể dễ dàng trao đổi với nhau? Cuốn sách này giới thiệu nhiều tình huống phụ huynh trao đổi với giáo viên, từ đó bạn đọc có thể biết được những kĩ năng cần thiết.
Giáo viên mầm non là những thầy cô giáo khai sáng cho trẻ nhỏ, họ có kiến thức chuyên ngành nhất định, có thể sắp xếp cuộc sống của trẻ nhỏ ở trường một cách hợp lí, khoa học, có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau căn cứ vào đặc điểm mỗi lứa tuổi của trẻ nhỏ, có thể có những phương pháp và kĩ năng nhất định giải quyết những vấn đề xảy ra với trẻ. Nhưng họ chỉ là giáo viên mầm non, không phải là chuyên gia dạy trẻ, năng lực chuyên môn của họ có hạn, hơn nữa, mỗi trẻ nhỏ có môi trường sống khác nhau, tính cách khác nhau, điều này khiến giáo viên có một số thiếu sót khi giải quyết những vấn đề của các bé. Nhìn từ góc độ khoa học, giáo viên cũng là người bình thường, họ có những đặc điểm giống như mỗi chúng ta, họ thích những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh, thích trao đổi với những bậc phụ huynh thấu tình đạt lí. Phụ huynh và giáo viên không nên bất đồng quan điểm mà nên có sự phối hợp với nhau.
Tác giả của cuốn sách là những giáo viên mầm non có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, trong đó có nhiều giáo viên đã có con nhỏ, họ vừa hiểu tâm lý của phụ huynh vừa có kinh nghiệm dạy dỗ trẻ nhỏ. Cuốn sách gồm 7 chương: tìm hiểu giáo viên, tìm hiểu trẻ nhỏ, tìm hiểu phụ huynh, nguyên tắc cơ bản trao đổi với giáo viên, những tình huống trao đổi khác nhau, vấn đề giáo viên thấy cần trao đổi nhất, vấn đề phụ huynh thấy cần trao đổi nhất. Cuốn sách còn kết hợp kể và phân tích những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống; thuật lại chi tiết những tình huống và kĩ năng phụ huynh trao đổi với giáo viên. Chắc chắn cuốn sách sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh.