Theo đà phát triển kinh tế và sự tiến bộ xã hội, “sự bận rộn” bắt đầu len lỏi vào khắp ngóc ngách của cuộc sống. Là trụ cột quan trọng trong gia đình, đa số người đàn ông trưởng thành đều không nằm ngoài nhóm người bận rộn này.
Thực ra, đối với các bậc nam nhi, có một công việc còn quan trọng hơn việc làm, đó chính là thiên chức làm cha, vì họ còn có trách nhiệm dạy dỗ và giáo dục con cái của mình. Tuy nhiên, rất nhiều người cha đẩy trách nhiệm dạy dỗ con cái cho vợ, cho rằng mình cần có nhiều thời gian để tập trung cho công việc, tạo điều kiện sống tốt hơn cho gia đình. Và một vấn đề nghiêm trọng xuất hiện, đó là trẻ nhỏ thiếu đi sự giáo dục của cha.
Cũng vì việc giáo dục của cha đối với con cái không sát sao, thường xuyên nên mối quan hệ tình cảm của gia đình luôn thiên lệch về phía người mẹ. Vì thế ngày nay, hầu hết trong các gia đình, người được phân vai chính là mẹ, hàng ngày mẹ đều có trách nhiệm lo lắng cho con cái ăn mặc, ngủ nghỉ, kèm cặp con học hành, đưa đón con đi học mỗi ngày. Nhiều khi, ở bên cạnh con chỉ có mẹ. Trong gia đình, nghĩa vụ của cha chỉ là kiếm tiền nuôi gia đình. Trong việc giáo dục con cái, người cha đóng vai trò khá mờ nhạt.
Vì thế, sự chiều chuộng, ôm đồm quá mức của mẹ dẫn đến con cái trở nên ích kỷ, yếu đuối, thiếu tự tin, nhút nhát, sợ thất bại…Trong quá trình trưởng thành của mình, trẻ cần được cha dạy dỗ để hình thành khả năng sống tự lập, tính cách kiên cường, dũng cảm… nhưng lại không nhận được điều này.
Trong thế giới tình cảm phức tạp và phong phú của con người, tình yêu của cha cũng giống như của mẹ, đều là nhân tố quyết định sự trưởng thành của con cái. Quan hệ tình thân có khuynh hướng thiên về tình cảm dành cho mẹ là hiện tượng không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thiếu tình cảm của cha hoặc thiếu sự dạy dỗ của cha, chiều cao, cân nặng, khả năng hài hòa, trí tuệ, tính cách… đều kém hơn các bạn khác. Trong quan hệ giao tiếp, trẻ dễ trở nên lo lắng, thiếu tự tin, khả năng kiềm chế kém… Kết quả này nhắc nhở chúng ta rằng, trong quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ, người cha đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Lỗ Tấn cho rằng: “Trước khi thiên tài xuất hiện, điều chúng ta cần làm là bồi đắp mảnh đất nuôi dưỡng nhân tài, mà sự giáo dục của người cha chính là mảnh đất ấy. Nhiều người cha cho rằng, đợi khi mình có một sự nghiệp vững chắc, có điều kiện kinh tế tốt, lúc đó sẽ dạy con cái tốt hơn. Nhưng lúc này, trẻ đã không còn dễ dạy bảo nữa. Trẻ lúc còn nhỏ thiếu tình cha, có thể nảy sinh sự bất đồng, phản kháng với cách dạy của cha.
Giáo dục trẻ là một quá trình phức tạp và có hệ thống. Trở thành người cha không khó, trở thành người cha có trách nhiệm và thành công mới khó. Điều này cần người cha tìm tòi, học hỏi, tìm cách thức và quy luật dạy dỗ phù hợp với trẻ. Chúng ta luôn tin tưởng rằng, nếu có sự chân thành, người cha nào cũng có thể trở thành người thầy giáo tốt của trẻ, bồi dưỡng trẻ trở thành người ưu tú, xuất sắc.
Để giúp trẻ nhanh chóng tham gia vào quá trình trưởng thành của trẻ, chúng tôi đặc biệt viết nên cuốn sách “Cha nên dạy trẻ thế nào- 12 bài học dạy trẻ dành cho người cha thành công”, giúp cha dùng bản lĩnh và vai trò của mình dạy con, để trở thành người cha thành công.
Cuốn sách vận dụng những quan điểm mới, ví dụ sinh động thực tế, kết hợp với phương pháp giáo dục mới, đưa ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả, ngôn ngữ đơn giản, tinh tế, dễ hiểu, cung cấp các phương pháp dạy con bổ ích và phong phú. Hi vọng các ông bố trở thành người cha thành công và con cái trở thành những đứa trẻ ưu tú, xuất sắc.