Dạy Con Kiểu Pháp được phát hành vào cuối năm 2011 với cái tên French children don’t throw food (Trẻ em Pháp không ném thức ăn), khi đã có vô số những tựa sách khác nhau viết về phương pháp giáo dục con cái, nhưng vẫn tạo ra một “cơn sốt” toàn cầu và gần hơn là làm “dậy sóng” các diễn đàn cha mẹ tại Việt Nam. Cuốc sách sẽ mở thêm một cánh cổng mới làm phong phú kho tàng tri thức dạy trẻ của các ông bố bà mẹ Việt.
Sự ra đời của cuốn sách Dạy Con Kiểu Pháp xuất phát từ một trở ngại mà bất kì một người mẹ nào cũng phải trải qua, đó là việc cho con ăn. Bà Pamela Druckerman, tác giả cuốn sách và là một người mẹ Mĩ, đã rất ngạc nhiên khi quan sát những đứa trẻ Pháp ăn ngồi ngoan ngoãn trên ghế, đợi thức ăn, chúng ăn cá thậm chí ăn cả rau. Không có tiếng la hét hay khóc lèo nhèo. Tất cả mọi người đều thưởng thức món ăn của mình. Và cũng không có mảnh vụn nào vương vãi xung quanh bàn của họ. Và đây cũng chính là khởi điểm cho cuộc hành trình của bà tìm hiểu về cách bố mẹ Pháp nuôi nấng các thiên thần của họ.
Pamela Druckerman nhận ra rằng mọi chuyện không chỉ khác biệt trong các bữa ăn mà trong cả cách họ cho con ngủ và vui chơi. Ví dụ như tại sao trong hàng trăm lần chơi ở công viên, bà chưa bao giờ thấy một đứa trẻ Pháp nào tỏ ra mất bình tĩnh, cáu kỉnh, giận dữ (ngoại trừ con bà)? Tại sao những người bạn Pháp của bà không phải vội vàng tắt điện thoại khi con họ đòi cái gì đó? Tại sao phòng khách của họ không bao giờ phải bày la liệt đồ chơi, thậm chí phải dựng lều, làm bếp ăn đồ chơi cho lũ trẻ, như cách mà những già đình bà đang phải trải qua? Và nhiều hơn nữa...
“Tôi không có một lý thuyết nào. Cái mà tôi có, đang trải ra trước mắt tôi, là một xã hội với đầy đủ chức năng của nó với những bậc cha mẹ ngủ tốt, ăn ngon và thư giãn hợp lý. Tôi đang bắt đầu với kết quả đó và làm việc hết sức để tìm ra người Pháp đã có điều đó như thế nào. Nó chỉ ra rằng có một kiểu cha mẹ khác biệt, và bạn không chỉ cần một triết lý nuôi dạy con khác biệt. Bạn cần có cái nhìn khác biệt về những gì thực sự có ở một đứa trẻ.” (Pamela Druckerman)
Về tác giả
Pamela Druckerman là một nhà báo và tác giả của Bringing Up Bébé (The Penguin Press: 2012), là tác giả của cuốn sách phiên bản tiếng Anh mang tên “French Children Don't Throw Food” (Trẻ em Pháp không ném thức ăn - 2012) và Lust In Translation (2007). Cô là một phóng viên nhân viên tại The Wall Street Journal và đã viết cho tờ New York Times, The Washington Post, The Guardian, The Observer, tờ Financial Times và Marie Claire. Cô đã xuất hiện như một nhà bình luận trên chương trình Today, Oprah.com, BBC Women's Hour, National Public Radio, Public Radio International, Al Jazeera International, France24 and CNBC. Trong cuộc sống gia đình, Pamela Druckerman là một bà mẹ Mỹ với 3 đứa con.
Trích đoạn sách hay
Một trong những ấn tượng đặc biệt của việc nuôi nấng con cái của người Pháp – và có thể là phần khó nhất để kiểm soát – là uy quyền trong một mức độ cụ thể. Rất nhiều các bậc cha mẹ Pháp mà tôi gặp có phong thái rất khoan thai, điềm tĩnh nhưng vẫn thể hiện được uy quyền với các con họ, đến mức khiến tôi thèm muốn. Bọn trẻ thực sự lắng nghe họ. Trẻ em Pháp không thường xuyên va chạm, cãi lại hoặc mè nheo mặc cả với bố mẹ. Nhưng chính xác là làm thế nào mà các bậc cha mẹ Pháp thực hiện được điều này? Và làm thế nào để tôi cũng có được cái quyền uy kỳ diệu này?
Một buổi sáng Chủ nhật, Frederique, hàng xóm nhà tôi, chứng kiến cảnh tôi cố gắng để đối phó với Leo khi chúng tôi đưa bọn trẻ ra công viên. Frederique làm việc cho một đại lý du lịch có trụ sở ở Burgundy. Cô ấy khoảng ngoài 40 tuổi, giọng nói khàn khàn nhưng rất có trọng lực. Sau nhiều năm làm công việc bàn giấy, cô ấy đã nhận Tina, một cô bé ba tuổi xinh đẹp với bộ tóc hoe đỏ, làm con nuôi từ một trại trẻ mồ côi ở Nga. Tại thời điểm đó, cô ấy mới chỉ làm mẹ được ba tháng.
Nhưng Frederique đã dạy tôi về cách giáo dục con. Cô ấy có một quan điểm rõ ràng về những gì là có thể và không thể. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện với nhau, thì ở một mỏm đá trong khu vực chơi cát của công viên Leo cứ liên tục tìm cách ra khỏi cái cổng bao quanh khu vực này. Mỗi lần thằng bé làm thế, tôi lại phải đứng dậy để đuổi theo, la mắng và kéo nó trở lại trong khi nó ra sức gào thét. Điều này làm tôi kiệt sức và phát cáu lên.
Đầu tiên, Frederique im lặng theo dõi cách xử lý của tôi. Sau đó, không nể nang gì, cô ấy nói rằng nếu tôi tiếp tục chạy theo sau Leo bất cứ lúc nào, chúng tôi sẽ không thể có nổi một chút yên tĩnh để ngồi và nói chuyện với nhau dù chỉ trong vòng vài phút.
“Đúng rồi, nhưng tớ có thể làm gì được cơ chứ?” tôi nói.
Frederique nói rằng tôi cần phải nghiêm khắc với Leo, để thằng bé biết được rằng nó không được phép rời khỏi khu vực chơi cát. “Nếu không thì cậu sẽ vẫn cứ phải chạy theo sau nó suốt cả ngày, và điều đó vẫn chẳng giải quyết được vấn đề gì cả,” cô ấy nói. Với tôi, dành cả buổi chiều để chạy theo sau Leo là một việc không thể tránh được. Với cô ấy, đó là một chuyện không thể chấp nhận được.
Chiến lược của Frederique có vẻ như chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Tôi nhắc lại cho cô ấy nhớ rằng tôi đã bảo Leo không được phép rời khỏi khu vực chơi cát từ 20 phút trước. Frederique mỉm cười. Cô ấy nói tôi cần phải nói “không”, và thật sự tin tưởng vào điều đó.
Lần tiếp theo Leo cố gắng để chạy ra khỏi khu vực chơi, tôi nói “không” một cách cứng rắn hơn bình thường. Thằng bé vẫn chạy ra ngoài. Tôi lại chạy theo và kéo nó lại.
“Cậu thấy chưa? Điều này là không thể.” Tôi nói với Frederique.
Frederique lại mỉm cười một lần nữa và nói tôi cần có thái độ thuyết phục hơn nữa. Điều tôi thiếu là, cô ấy nói, một niềm tin rằng thằng bé sẽ thực sự lắng nghe. Cô ấy bảo tôi đừng có hét lên, mà hãy nói với thái độ thuyết phục hơn nữa.
Tôi sợ rằng tôi sẽ làm cho thằng bé phát khiếp lên.
“Đừng lo,” Frederique nói, thúc giục tôi thử làm thế.
Lần tiếp theo Leo cũng không hề nghe lời tôi. Nhưng tôi dần dần cảm thấy lời nói của mình có sức thuyết phục hơn. Chúng không to hơn, nhưng chúng có độ tin tưởng hơn. Tôi cảm thấy như tôi đã trở thành hiện thân của một kiểu cha mẹ mới.
Đến lần thứ tư, khi tôi cuối cùng cũng trở nên thật sự tin tưởng, Leo đến gần cổng – nhưng – thật kỳ diệu – không mở cánh cổng ra. Thằng bé quay trở lại và nhìn tôi một cách lo lắng. Tôi mở to mắt nhìn nó và cố gắng thể hiện thái độ phản đối.
Sau khoảng 10 phút, Leo không còn cố gắng để chạy ra ngoài nữa. Thằng bé dường như đã quên mất cái cổng, và chỉ chơi trong khu vực chơi cát cùng với Tina, Joey và Bean. Giờ thì Frederique và tôi có thể thoải mái nói chuyện với nhau và tôi thực sự ngạc nhiên khi nhận thấy Leo bất ngờ nhìn mình như một con người đầy quyền lực.
“Cậu thấy chưa, vấn đề là âm điệu giọng nói của cậu.” Frederique nói.
Frederique chỉ ra rằng Leo không hề bị tổn thương về mặt tinh thần. Vào thời điểm đó – và rất có thể là lần đầu tiên kể từ trước đến nay – thằng bé có vẻ thực sự giống một đứa trẻ Pháp. Cả ba đứa trẻ đột nhiên ngoan ngoãn trong cùng một lúc, tôi có thể cảm thấy như gánh nặng trên vai mình nhẹ đi một chút. Đó là một trải nghiệm mà tôi chưa bao giờ có được ở công viên từ trước đến nay. Liệu đó có phải là lý do tôi thực sự muốn được là một người mẹ Pháp?
Tôi thấy nhẹ nhõm, nhưng cũng thấy mình thật là ngốc. Nếu việc này dễ dàng đến vậy, tại sao tôi không thực hiện nó trong suốt nhiều năm qua? Nói không chính xác là một kỹ thuật nuôi dạy con cái vượt trội. Điều mới mẻ mà tôi học được từ Frederique là gạt bỏ sự mâu thuẫn trong tư tưởng và tin tưởng vào quyền lực của chính bản thân mình. Những gì cô ấy nói với tôi xuất phát từ sự giáo dục và niềm tin sâu sắc nhất của chính bản thân cô. Và đó có vẻ như là ý thức chung của các bậc cha mẹ Pháp.