Ngày nay tiền bạc thì khó khăn, thời gian thì luôn bị hạn chế và hầu hết chúng ta đều có thể tận dụng sự giúp đỡ ở nhà. Nhưng có bao nhiêu ông bố bà mẹ khai thác được nguồn lực tiềm năng gần gũi nhất này từ những đứa trẻ là con cái mình? Chúng ta thường nghe được rằng, “Đó đúng là một học thuyết tuyệt vời, tuy thế cách này sẽ tiêu tốn nhiều thời gian hơn”. Cha mẹ có thể làm một việc nào đó tốt hơn và nhanh hơn nhiều so với mấy đứa con của họ, nhưng liệu họ có nên không? Không. Chúng tôi nghĩ rằng trẻ làm việc nhà là một điều tốt vì chúng cần học cách làm việc và cha mẹ cần sự giúp đỡ của chúng.
Khi con trẻ tới 18 tuổi thì chúng đã có 32.234 giờ được cha mẹ dạy dỗ. Cứ cho là thời gian chúng ở trên lớp và nghiên cứu để hoàn thành chương trình cử nhân tại trường đại học thì cũng chỉ là 2.100 giờ và nếu con bạn đi học nghề thì chúng chỉ cần một nửa số thời gian ấy thôi. Vậy là thời gian ở nhà của trẻ nhiều gấp mười sáu lần thời gian học tập ở trường đại học. Vậy các bậc cha mẹ muốn sử dụng lượng thời gian ấy như thế nào?
Hãy nghĩ đến việc đứa con của bạn khi trưởng thành sẽ ra đời và sống tự lập! Liệu chúng ta có chắc rằng chúng có thể tự giải quyết ổn thỏa những vấn đề trong cuộc sống (mà không cần cha mẹ)? Liệu chúng có thể biết làm các công việc nhà đơn giản nhất? Liệu chúng có thể nấu những bữa ăn đơn giản nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng cho chính mình? Liệu chúng có thể biết sắp xếp chỗ ở ngăn nắp, biết bảo quản đồ dùng? Hay chúng có biết cách chi tiêu hợp lý, tránh được những khoản nợ không cần thiết? Thường thì các bậc cha mẹ sẽ để trẻ tự xoay sở và hy vọng là mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Liệu chúng ta có nên để cho trẻ học những kỹ năng đó từ những tình huống may rủi trong thực tế không? Liệu có cách nào tốt hơn không?
Cuốn sách này sẽ chia sẻ những nguyên tắc, chiến lược và lời khuyên về cách giúp trẻ hoàn thành việc nhà. […] Chúng tôi sẽ chỉ cho các bậc cha mẹ cách biến những lời chê trách thành những câu khen ngợi tích cực để có thể thúc đẩy trẻ làm những điều mà chúng ta nghĩ là chúng nên làm, mà ở đây chính là việc nhà.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ biết kỹ năng thích hợp cho trẻ ở mỗi độ tuổi. Bạn sẽ học cách dạy cho trẻ những kỹ năng đó và đồng thời học cách khuyến khích động viên con bạn thể hiện khả năng. Có một thực tế có vẻ là những người quen biết (xung quanh trẻ, chứ không phải cha mẹ) sẽ khiến trẻ làm việc tốt hơn là cha mẹ chúng, nhưng cha mẹ có thể tạo ra những tình huống vui nhộn và hứng thú để khiến trẻ làm việc. Những câu chuyện, sơ đồ, trò chơi, các mẹo được đưa ra khiến con bạn làm việc cho tới khi chúng đủ trưởng thành và tự giác làm việc đó.
Những phần khác của cuốn sách này, như Đặt Mục tiêu, Hiểu Biết về các Giai đoạn Học tập, hay Làm việc Cùng nhau, đưa ra những nguyên lý để thiết lập một nền tảng gia đình vững chắc giúp trẻ tự lập hơn. Cuốn sách này giúp tập trung vào một kế hoạch hiệu quả cho cha mẹ và con cái để sử dụng 32.234 giờ ở nhà một cách hiệu quả. Nó như một cuốn cẩm nang giúp bạn thành công trong các lĩnh vực mà người khác có thể bỏ mặc cho sự ngẫu nhiên. Bạn có thể phải thay đổi một số hành vi của bản thân và sắp xếp lại ngôi nhà một chút để noi gương cho trẻ.
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cho dù con của bạn đang ở độ tuổi nào, dù các phương pháp và hình thức khích lệ có thể khác nhau đi nữa. Hãy tự tin vào những gì bạn đã làm. Việc bạn quan tâm tới cuốn sách này chứng tỏ bạn đã và đang tìm kiếm một số những ý tưởng ở đây. Hãy bỏ lại những nuối tiếc về sai lầm trong quá khứ. Bạn đã cố gắng hết sức mình rồi. Chúng tôi không thể hứa rằng con bạn sẽ làm tất cả các việc nhà hay thậm chí là tự đặt ra nhiệm vụ cho bản thân, nhưng ít nhất chúng tôi có thể giúp rèn luyện con bạn để khi chúng có nhà riêng và muốn giữ mọi thứ ngăn nắp thì chúng sẽ biết phải làm như thế nào.
Trích đoạn:
Việc khích lệ cần làm đều đặn khi trẻ học được các kỹ năng và tăng sự tự tin. Trước khi dạy, bạn cần quyết định bạn và trẻ sẽ tiến xa tới đâu.
Nếu bạn không quyết định được mục tiêu của mình thì bạn sẽ giống cô bé Alice lạc vào xứ sở thần tiên, khi con mèo Cheshire hỏi cô muốn “đi đâu”. Cô ấy trả lời là cô “không quan tâm lắm về nơi sẽ tới”, chú mèo đã nói rằng “vậy thì quan tâm làm gì nhiều tới con đường mà cô chọn.”
Bạn sẽ đi tới đâu?
Việc suy nghĩ về con đường mà chúng ta đi với trẻ là quan trọng. Điều này giúp chúng ta định hướng được mục tiêu, nghĩ về phương pháp mà nhà trường thường áp dụng. Nhiều trường học có thẻ tiến bộ, áp dụng cho học sinh từng lớp, chỉ ra những kỹ năng nào trong môn toán hay môn nghệ thuật ngôn ngữ mà học sinh đó đã học và đã thi đỗ. Danh sách này có thể khiến những bạn học sinh lớp một nản lòng, nhưng học sinh đó học dần dần, từng môn một, thì sẽ vượt qua được rất nhiều môn học. Liệu có thú vị không nếu con bạn vượt qua môn “Kỹ năng sống tại gia đình”?
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, cho dù con của bạn đang ở độ tuổi nào, dù các phương pháp và hình thức khích lệ có thể khác nhau đi nữa. Hãy tự tin vào những gì bạn đã làm. Việc bạn quan tâm tới cuốn sách này chứng tỏ bạn đã và đang tìm kiếm một số những ý tưởng ở đây. Hãy bỏ lại những nuối tiếc về sai lầm trong quá khứ. Bạn đã cố gắng hết sức mình rồi. Chúng tôi không thể hứa rằng con bạn sẽ làm tất cả các việc nhà hay thậm chí là tự đặt ra nhiệm vụ cho bản thân, nhưng ít nhất chúng tôi có thể giúp rèn luyện con bạn để khi chúng có nhà riêng và muốn giữ mọi thứ ngăn nắp thì chúng biết phải làm thế nào.
Trong một cuộc khảo sát 250 đứa trẻ thì 97% tự nhận thấy rằng chúng nên làm việc nhà. Hãy dạy và cho trẻ cơ hội. Rèn luyện trẻ làm việc là tạo cơ hội để chúng được thưởng. Đối với trẻ, việc này làm tăng thêm tính tự tôn và có cảm nhận về việc được sở hữu. Chúng sẽ có các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống khi trưởng thành, thiết lập được mô hình thành công trong tương lai giúp tăng tính độc lập và tự lực, học cách làm việc nhanh và hiệu quả. Trẻ sẽ nhận thức rõ giá trị của đồ đạc và biết trân trọng hơn những nỗ lực của người khác. Cha mẹ cũng nhận được phần thưởng xứng đáng, đó chính là trẻ sẽ làm một phần việc nhà cho họ, họ sẽ bớt cáu giận và có nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống hơn. Cha mẹ cũng sẽ cảm thấy thành công hơn khi chuẩn bị cho con cái vững bước vào đời, như một câu cách ngôn khá nổi tiếng:
Bắt cho con một con cá, sẽ nuôi sống con hôm nay.
Dạy cho con cách câu cá, con sẽ sống cả đời.