Một chuyên gia giáo dục đã từng nói: “Không có mảnh đất nào không tốt, chỉ có người nông dân không biết trồng màu; Không có trẻ em nào không được giáo dục tốt, chỉ có bậc cha mẹ không biết giáo dục con cái mà thôi”. Giáo dục gia đình có tác dụng cơ bản trong sự trưởng thành của trẻ. Không có nền tảng cơ bản này, trẻ khó có thể trưởng thành. Một nhà giáo dục người Mỹ cũng đã nói rằng: “Trẻ giống như tờ giấy trắng, khả năng nhận thức thế giới cũng cần trải qua quá trình học tập. Trẻ lúc đầu ở trong trạng thái tò mò và xa lạ, quan sát những hành vi cử chỉ của người xung quanh, sau đó mới bắt chước hành động của họ”.
Mỗi đứa trẻ đều là thiên thần giáng thế, các em giống như một tờ giấy trắng, thuần khiết và trong sáng. Trên tờ giấy đó, bố mẹ vẽ viết gì đều sẽ để lại dấu vết như thế. Nếu cha mẹ vẽ lên sự lương thiện, tình yêu, tự lập, tự do.. trẻ cũng có phẩm chất ưu tú như vậy. Ngược lại, nếu cha mẹ vẽ nên sự ích kỷ, ỷ nại, yếu đuối… trẻ cũng sẽ hình thành cá tính không tốt ấy. Có thể thấy, sự trưởng thành của trẻ có liên quan mật thiết đến cách giáo dục gia đình.
Trong sự giáo dục trẻ, người mẹ có trách nhiệm to lớn, nặng nề hơn người cha, vì trước khi trẻ sinh ra, người mẹ đã có ảnh hưởng đến trẻ. Có thể nói, trong cuộc đời của trẻ, tiếp xúc nền giáo dục sớm nhất chính là từ mẹ, mẹ là ngọn đèn soi sáng trong sự trưởng thành của trẻ. Sự giáo dục của mẹ đối với trẻ cũng được thể hiện qua mọi mặt đời sống, mẹ có ảnh hưởng đến trẻ giống như một nguồn sức mạnh không bao giờ cạn, tiếp diễn trong suốt cuộc đời của trẻ.
Bắt chước là thiên tính của trẻ, mẹ cũng là người trẻ tiếp xúc sớm nhất, nhiều nhất và lâu nhất, vì vậy cũng là tấm gương cho trẻ bắt chước và học tập cụ thể nhất, trực tiếp nhất. Mỗi lời nói hành động của mẹ đều ảnh hưởng ngầm đến trẻ. Có thể nói, trẻ là cái bóng của mẹ, là phiên bản thu nhỏ của mẹ. Lời nói hành động của trẻ không chỉ giống mẹ, mà tình cảm, tính cách... đều chịu ảnh hưởng của mẹ. Một bà mẹ có phẩm chất lương thiện, có giá trị quan đúng đắn, tính cách ôn hòa, cởi mở sẽ bồi dưỡng một đứa con xuất sắc, ưu tú.
Đương nhiên, trong quá trình giáo dục trẻ, mẹ không phải là nhà giáo dục bẩm sinh nên cũng có thể phạm sai lầm như quá nuông chiều, bảo vệ trẻ. Vì sự trưởng thành của trẻ, các bà mẹ không những từ bỏ sự nghiệp và công việc của mình, mà còn tập trung toàn bộ công sức, tinh thần để bồi dưỡng, giáo dục con. Nhưng cho dù các bà mẹ có chu đáo thế nào, vẫn khó tránh khỏi xuất hiện những vấn đề và phiền phức khó giải quyết trong việc dạy dỗ con cái.
Các bà mẹ cũng nhận thức rằng, giáo dục con cái không phải là công việc có hệ thống, công việc này thậm chí còn khó nhọc, vất vả và cần trí tuệ hơn bất cứ ngành nghề nào trong xã hội. Vì thế, các bà mẹ cần không ngừng học tập, tiến bộ, nâng cao sự tu dưỡng bản thân. Một bà mẹ đã từng nói rằng: “Khi con muốn tự tìm hiểu cả thế giới, tôi ước ao mình chính là cuốn sách bách khoa toàn thư, để con có thể nhìn và biết hết mọi điều và tôi có thể nói cho con biết bất cứ chuyện gì. Tôi tin rằng, bà mẹ thành công chính là bà mẹ biết “học”, không thể học là biết ngay, hoặc ngay từ đầu học đã biết được mọi thứ, mà cần rèn luyện trong thời gian dài”. Chúng tôi tin rằng, mỗi bà mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con nên người đều có cảm nhận này.
Đồng thời, chúng ta cũng tin rằng, mỗi bà mẹ đều muốn trở thành bà mẹ hoàn hảo, đều hi vọng mình có những đứa con xuất sắc. Để giúp các bà mẹ nâng cao quan niệm giáo dục của bản thân, hướng dẫn trẻ trưởng thành lành mạnh, chúng tôi đã biên tập cuốn sách “Các bà mẹ nên dạy con như thế nào- 12 bài học giúp các bà mẹ trở thành bà mẹ hoàn hảo”, giúp các bà mẹ phát huy được vai trò của bản thân, hoàn thiện cách giáo dục của mình, để bản thân trở thành người mẹ hoàn hảo, con cái trở thành người xuất sắc.
Cuốn sách kết hợp lí luận thực tế, đưa ra các ví dụ sinh động, kết hợp với nhiều vấn đề trẻ em hiện nay gặp phải, đưa ra cách giải quyết mang tính ứng dụng và thực tế cao, là bài học cần tiết dành cho các bà mẹ dạy dỗ con cái. Cuốn sách sẽ trở thành công cụ hướng dẫn các bà mẹ trong quá trình dạy con, có tác dụng bổ trợ và thúc đẩy giáo dục, cũng hi vọng trẻ nhỏ qua sự bồi dưỡng, dạy dỗ tận tâm của mẹ trở thành người hiền tài.