Trí tuệ của con người có nhiều phương diện, nó là tổng hòa của nhiều khả năng khác nhau. Lý luận trí tuệ đa phương diện chia trí tuệ của con người thành 8 mảng lớn:
- Khả năng ngôn ngữ: chỉ năng lực nghe, nói, đọc, viết.
- Khả năng toán học và lôgíc: chỉ khả năng tính toán và suy luận.
- Khả năng về không gian: chỉ cảm giác và thị giác chính xác về không gian, đồng thời biết cách biểu hiện những cảm nhận của bản thân, bao gồm cảm nhận về không gian, như: màu sắc, đường nét, hình khối, không gian và mối quan hệ giữa chúng.
- Khả năng quan sát tự nhiên: chỉ khả năng phân biệt các loài động thực vật và nhận biết các hiện tượng tự nhiên.
- Khả năng vận động: chỉ khả năng sử dụng tay chân và cơ thể.
- Khả năng giao tiếp xã hội: chỉ khả năng ứng xử và giao tiếp với mọi người.
- Khả năng âm nhạc: chỉ khả năng cảm thụ, phân biệt, ghi nhớ và diễn đạt âm nhạc.
- Khả năng tự thân: chỉ khả năng nhận thức, hiểu và tự điều chỉnh bản thân.
Trí tuệ của mỗi đứa trẻ có những đặc điểm và hình thức biểu hiện độc đáo, riêng biệt: Mỗi đứa trẻ đều có 8 khả năng nêu trên và mỗi khả năng lại có tầm quan trọng khác nhau trong kết cấu nhận thức của trẻ. Mức độ phát triển khác nhau của 8 khả năng tạo nên điểm riêng biệt về trí tuệ của mỗi đứa trẻ. Do đó, cha mẹ không nên máy móc áp dụng các tiêu chuẩn đánh giá để phán đoán bé yêu của mình có thông minh hay không.
Mỗi đứa trẻ có những ưu khuyết về trí tuệ khác nhau: Trẻ em phát triển trí tuệ với tốc độ khác nhau, mức độ phát triển ở mỗi lĩnh vực cũng không đồng đều. Do đó, phụ huynh nên chú ý phát hiện trí tuệ nổi trội và trí tuệ kém ưu thế của con mình. Song song với việc nhận thức đầy đủ, khẳng định và khích lệ khả năng nổi trội của trẻ, cha mẹ cần hướng dẫn con vận dụng những ưu thế đó vào những lĩnh vực không phải sở trường, giúp trí tuệ trẻ phát triển toàn diện.
Môi trường và giáo dục có vai trò quan trọng trong việc kích thích tiềm năng trí tuệ của trẻ: Trí tuệ là một dạng tiềm năng sinh vật. Do đó, nó hoàn toàn có thể rèn luyện và nâng cao nhờ giáo dục. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần coi trọng phát triển trí tuệ cho trẻ ngay từ giai đoạn sớm.
Bộ sách Rèn Luyện Bộ Não Phát Triển Trí Tuệ (2-3 tuổi) dựa trên những lý luận về trí tuệ đa phương diện và những đặc điểm phát triển của trẻ nhỏ ở các lứa tuổi khác nhau để xây dựng những trò chơi thú vị, nhằm giúp trẻ phát triển trí tuệ toàn diện. Mỗi trò chơi có 3 tiêu chuẩn đánh giá, nhờ vậy, cha mẹ có thể hiểu được mức độ phát triển trí tuệ của trẻ, từ đó áp dụng cách rèn luyện thích hợp cho con.
Khi hướng dẫn bé chơi trò chơi, cha mẹ cần lưu ý những điểm sau:
1. Chú ý quan sát và biết cách kích thích niềm say mê của trẻ. Hãy để trẻ chơi trong tâm trạng vui vẻ, đừng ép trẻ làm những việc tạm thời trẻ chưa muốn làm. Đây là nguyên tắc quan trọng trong quá trình rèn luyện phát triển trí tuệ toàn diện cho trẻ.
2. Giúp trẻ học trong khi thao tác. Cha mẹ cần quan sát và phát hiện năng lực nổi trội và kém ưu thế của con thông qua thao tác thực tế, từ đó giúp trẻ kích thích trí tuệ phát triển toàn diện.
3. Do mỗi đứa trẻ có sự phát triển trí tuệ khác nhau, nên khi chơi với con, cha mẹ cần thay đổi linh hoạt và sáng tạo các trò chơi trên cơ sở tuân thủ hai nguyên tắc đã nêu, như vậy sẽ đạt hiệu quả giáo dục tốt hơn.