SAY MÊ HỌC TẬP, LÀM CHỦ VIỆC HỌC HÀNH
I. Say mê học tập là khởi nguồn của sự hoàn thiện
Nhà vật lí học vĩ đại của thế kỉ XX Albert Einstein (1879 -1955), từng nói: “Niềm đam mê là thầy giáo tốt nhất.” Cuộc đời của ông chính là lời giải thích trọn vẹn cho câu nói này.
Thuở nhỏ, Einstein là đứa trẻ chậm biết nói, nói năng khó khăn, không thích giao tiếp với người ngoài, bị thầy cô cho là “Một học sinh chẳng thể làm nên trò trống gì.” Tuy nhiên, Einstein lại sớm bộc lộ là một đứa trẻ ham học hỏi và luôn tràn đầy hứng thú say mê với mọi thứ, nhất là các môn khoa học tự nhiên.
Lúc năm tuổi, Einstein đã được cha tặng cho một chiếc la bàn. Cậu bé cảm thấy vô cùng thích thú khi phát hiện ra rằng, chiếc kim chỉ nam trong la bàn luôn luôn chỉ vào một hướng cố định, nên cố tìm cho bằng được nguyên nhân và suốt mấy ngày liền tay không rời món quà tặng đó. Cho đến tận khi đã hơn sáu mươi tuổi, Einstein vẫn nhớ chiếc la bàn này. Ông cho rằng, chính đồ vật nhỏ bé này đã dẫn dắt ông bước vào thế giới khoa học đầy màu sắc sau này.
Chú của Einstein - Jacob là một kiến trúc sư, là người rất yêu thích số học. Mỗi khi Einstein tới tìm ông, ông luôn luôn vui vẻ giới thiệu những kiến thức số học đầy bổ ích cho cháu. Có một lần chú Jacob đã kể cho Einstein nghe về một định lí hình học - định lí Pitago: trong bất cứ tam giác vuông nào thì bình phương cạnh huyền đều bằng tổng bình phương hai cạnh góc vuông. Einstein sau khi vẽ rất nhiều tam giác để kiểm nghiệm, nên càng cảm thấy định lí này vô cùng kì diệu.
Một sinh viên y khoa gốc Do Thái tên là Max Talmud rất hay đến nhà Einstein chơi. Là người có vốn hiểu biết và kho tri thức rất phong phú, Max Talmud đã trở thành một người bạn tâm đầu và đồng thời cũng là “người thầy khai sáng" cho Einstein. Max Talmud đã đưa cho Einstein đọc rất nhiều cuốn sách có giá trị để cả hai có thể cùng thảo luận. Chính việc này đã kích thích và khơi gợi được niềm hứng thú học hành của Einstein.
Năm Einstein mười hai tuổi, cậu bé đã được Max Talmud đưa cho cuốn giáo trình “Hình học phẳng", cuốn sách này ngay lập tức chiếm hết tâm trí của cậu. Sau này, Einstein kể rằng: “Trong cuốn sách có chứa rất nhiều định lý. Ví dụ như, ba đường cao trong một tam giác thì giao nhau tại một điểm. Điều này không thể nhìn thấy ngay nhưng lại có thể dễ dàng chứng minh được."
Dưới sự dẫn dắt của Max Talmud, Einstein đã bắt đầu học sang số học cao cấp. Trong khi các bạn học đồng lứa vẫn đang mày mò với cái ao cạn hình tam giác sơ đẳng thì cậu bé Einstein mười ba tuổi đã bơi trong đại dương vi, tích phân rộng lớn, hằng hà sa số rồi. Einstein đã đọc và hiểu rất nhiều những cuốn sách cơ bản của khoa học, toán học, vật lí, triết học... mà Max Talmud đã mượn về cho Einstein xem, như “Lực và vật chất” của Hy Lạp, tập sách phổ thông về “khoa học tự nhiên" của Berstein v.v... Do vậy, ngay từ thời niên thiếu, Einstein đã sớm có hứng thú vô tận với vật lí, số học và triết học. Không lâu sau, chính Max Talmud cũng không theo kịp Einstein nữa.
Sau này, dù gia cảnh khó khăn, công ty của gia đình bị phá sản, Einstein vẫn không từ bỏ niềm đam mê vật lí của mình. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vẫn tự mình nghiên cứu sau những giờ làm việc tại Cục chuyên lợi ở Thụy Sỉ. Cũng chính ở giai đoạn này, ông đã tìm ra lí thuyết mang tính đột phá thời bấy giờ - Thuyết Tương đối và trở thành một nhà vật lí học vĩ đại được biết đến trên toàn thế giới. Năm 1921, ông vinh dự được nhận giải Nobel vật lí.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato đã từng nói: “Một người tự do tuyệt đối không bao giờ học tập bất cứ thứ gì khi bị thúc ép.”
Người sáng lập trường Sudbury ở Mỹ, tiến sĩ Greenberg cũng cho rằng: “Học tập là công việc cá nhân. Một người trước hết cần phải có động cơ học tập, sau đó vận dụng đủ mọi hoạt động cơ bắp và hoạt động suy nghĩ của não bộ để tiến hành học tập. Chỉ có niềm say mê đích thực thì mới có thể cả ngày học tập không ngừng nghỉ." Khổng Tử cũng từng nói rằng: “Kẻ biết không bằng kẻ giỏi, kẻ giỏi không bằng kẻ say mê.” Chính niềm say mê học tập đã làm cho việc học tập của trẻ trở nên tự giác và thoải mái hơn.
Do đó, điều quan trọng nhất đối với trẻ chính là sự say mê học tập! Say mê học tập là khởi nguồn của sự hoàn thiện, chán ghét học tập là khởi nguồn của vạn điều bất lành. Vì vậy, sức mạnh của cha mẹ là khơi gợi niềm đam mê và hứng thú học hành ở con cái. Đây chính là nền móng cho cuộc đời của con cái.
Xin trân trọng giới thiệu!