Người ta vẫn cho rằng, người Do Thái là người thông minh nhất thế giới và không ai phủ nhận điều đó. Tuy nhiên, một chuyên gia nghiên cứu giáo dục đã nhận định rằng: “Thông minh không đồng nghĩa với trí tuệ, tiêu chuẩn đánh giá một con người hay một dân tộc là thông minh hay không, hoàn toàn không phải là do họ có bộ não năng động hay họ nắm bắt được bao nhiêu tri thức mà điều mấu chốt là năng lực tư duy và khả năng sáng tạo của họ như thế nào?”. Nhà giáo dục nổi tiếng Xukhomlinski cũng nói rằng: “Trí tuệ khi sinh ra đã có, còn tri thức phải học mới có”.
Việc học tập tri thức chủ yếu là nhằm phát triển khả năng ghi nhớ bộ não của chúng ta, nhưng trong cuộc sống, điều cần thiết không chỉ là kiến thức sâu rộng mà quan trọng hơn là khả năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Bởi vì cuộc sống của chúng ta gặp phải hằng ngày. Mà khi giải quyết các vấn đề đòi hỏi chúng ta phải phát huy tối đa năng lực tư duy và sức tưởng tượng, áp dụng những tri thức chúng ta đã được học để tìm tòi, khám phá những tri thức mới.
Chính vì vậy, một nhà vật lý học nổi tiếng của Pháp đã nhấn mạnh: “Điều quan trọng không phải là học lấy tri thức mà là phát triển năng lực tư duy”, “Đào tạo nhân tài quan trọng nhất là bồi dưỡng năng lực sáng tạo”. Còn nhà khoa học thiên tài Anhxtanh thì cho rằng: “Việc đưa ra vấn đề quan trọng hơn nhiều so với việc giải quyết vấn đề; dám nghĩ điều người khác không dám nghĩ tức là bạn đã thành công một nửa rồi. Dám làm điều người khác khôg dám làm cũng tức là bạn đi được một nửa con đường thành công”. Chính bản thân Anhxtanh đã thực hiện điều đó và ông đã thành công với rất nhiều những phát minh khoa học nổi tiếng, đặc biệt là Thuyết tương đối. Anhxtanh cho rằng những con người có khả năng làm việc tưởng tượng nổi một xã hội sẽ phát triển như thế nào nếu không có những phát triển năng lực phán đoán và khả năng tư duy độc lập. Vì thế phát triển năng lực phán đoán và khả năng tư duy độc lập luôn được đặt ở vị trí hàng đầu chứ không phải chỉ quan tâm đến nắm bắt tri thức chuyên ngành”.
Sự khác biệt trong giáo dục gia đình phương Đông và phương Tây
Con người là động vật cấp cao có tri thức và tình cảm. Chúng ta sống dựa vào việc duy trì quan hệ huyết thống. Do đó, giáo dục gia đình trở thành điểu không thể trong quá trình đào luyện một nhân tài. Thời kỳ nhi đồng và thanh thiếu niên là thời kỳ quá độ để con người trưởng thành về mặt sinh lý; đồng thời, cũng là thời kỳ quan trọng để trưởng thành về mặt tâm lý và nhận thức. Một đứa con có khả năng phát triển hay không? Có thể trở thành thiên tài hay không, tất cả phụ thuộc vào phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ.
Thuyết tiến hoá của Đác-uyn nói rằng: “Vạn vật luôn luôn có sự cạnh tranh, kẻ thắng sẽ tồn tại”. Chỉ những người được giáo dục tốt mới có thể phát triển được, và giành được thành công trong xã hội luôn cạnh tranh ác liệt này. Đó là quy luật sinh tồn đã được ghi nhận từ bao đời nay.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của đứa trẻ, điều đó đặt lên vai cha mẹ một trách nhiệm nặng nề, đó là sự nghiệp đào tạo, nuôi dưỡng những thế hệ hậu sinh. Phương pháp giáo dục gia đình truyền thống Phương Đông là giáo dục làm người, chú trọng tới giáo dục tình cảm và giáo dục đạo đức. Cha mẹ luôn dạy con cái phải tôn trọng người lớn tuổi, phục tùng sự quản lý, vì thế chúng luôn phải nghe lời và chấp hành một cách tuyệt đối, không bao giờ dám chống lại. Liệu có phải vì thế mà người Phương Đông ngày càng thiếu cá tính, ngày càng thiếu tính sáng tạo?
Ngược lại, ở các nước Phương Tây giáo dục gia đình lại chú trọng đến “dạy cách làm việc”, cha mẹ giáo dục con cái từ nhỏ về “cách sinh tồn” (bản năng tự nhiên), dạy trẻ tính độc lập và sáng tạo. Vì vậy, giáo dục gia đình kiểu Phương Tây khiến trẻ em ở đó hết sức tự tin, có cá tính và tràn đầy sức sống.
Chuyển giáo dục tri thức (Chỉ số thông minh) thành giáo dục sáng tạo (Chỉ số sáng tạo)
“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trong thời đại toàn cầu hoá thông tin hiện nay, vai trò của giáo dục ngày càng trở nên quan trọng. Tất cả các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Tây Âu… không một nước nào lại không coi trọng giáo dục. Bởi lẽ, giáo dục là cái gốc của con người, là “nguyên khí của đất nước”. Đất nước ta có lịch sử hàng ngàn năm văn minh, đồng thời cũng có lịch sử giáo dục hàng ngàn năm nhưng khả năng sáng tạo của người Việt Nam không cao, thậm chí chưa tạo được một nhân tài nào đạt giải Nobel. Chúng ta có thể thấy rằng, nguyên nhân của nó là nền giáo dục vẫn chỉ là sự truyền đạt tri thức mang tính phục tùng, ghi nhớ, máy móc, chỉ cần mọi người có khả năng ghi nhớ là có tri thức giải quyết vấn đề để từ đó tích luỹ thành tri thức. Vì vậy, áp dụng phương thức giáo dục này để đào tào con người cho xã hội thì phần lớn chỉ được những con người bình thường, rất khó thành tài, đó cũng chính là nguồn gốc sâu xa dẫn đến sự lạc hậu của đất nước. Do vậy, chỉ có chuyển mô hình giáo dục tri thức thành giáo dục sáng tạo thì mới giúp cho người học biết cách tư duy và có tri thức thực sự dân tộc ta mới có hy vọng một ngày nào đó được sánh với các cường quốc năm châu...
Mục lục:
Chương 1: Hãy coi giáo dục gia đình là một nghệ thuật
Chương 2: Phân công trách nhiệm giáo dục trong gia đình
Chương 3: Sáu trách nhiệm lớn của cha mẹ
Chương 4: Ba bí quyết giáo dục trẻ trước khi trẻ đi học
Chương 5: Bồi dưỡng con trẻ và bốn chỉ số thành công
Chương 6: Sáu nội dung rèn luyện trí lực cho trẻ
Chương 7: Bí quyết tiếp xúc với trẻ một cách nhẹ nhàng
Chương 8: 8 nguyên tắc cha mẹ giáo dục con cái
Chương 9: 4 bí quyết giúp bố mẹ tạo dựng uy tín với con cái
Chương 10: 4 vấn đề lớn cần giải quyết khi con cái trưởng thành
Chương 11: 5 sai lầm lớn cần tránh trong giáo dục gia đình
Chương 12: 13 lời khuyên cho các bậc cha mẹ khi giáo dục trẻ em
Chương 13: Những câu chuyện dạy con thú vị