Cuốn sách này dựa trên các bài thuyết giảng của Tiến sĩ Maria Montessori tại Ahmedabad, trong chương trình tập huấn đầu tiên sau khoảng thời gian bị giam giữ ở Ấn Độ đến khi Thế chiến thứ Hai kết thúc.
Trong cuốn sách này bà hé lộ về năng lực tinh thần đặc biệt của trẻ nhỏ, thứ năng lực có thể giúp đứa trẻ tạo dựng và định hình nhân cách chỉ trong vài năm mà không cần đến sự giảng dạy của giáo viên hay sự hỗ trợ của các chương trình giáo dục, về mọi đặc tính tiềm tàng trong nhân cách trẻ nhỏ vẫn thường gần như bị bỏ qua và che khuất. Sự trưởng thành là thành quả của một thực thể yếu đuối về thể chất, nắm giữ những năng lực tiềm tàng lớn lao, tuy về bản chất chẳng có mấy đời sống tinh thần, một thực thể ban đầu có thể được coi là số không, nhưng chỉ sau sáu năm đã có thể vượt trội hơn thảy những thực thể sống khác, quả là một trong những bí ẩn vĩ đại nhất của cuộc sống. Trong cuốn sách này tiến sĩ Montessori không chỉ thể hiện sự thấu suốt dựa trên những quan sát tường tận và cảm nhận thông tuệ của bà về những hiện tượng ở giai đoạn đầu tiên vốn mang tính tiên quyết đối với đời sống con người, bà còn chỉ ra những trách nhiệm của người trưởng thành đối với giai đoạn này ở trẻ nhỏ. Bà đã đem lại ý nghĩa thực tiễn cho quá trình thiết yếu trong giáo dục giờ đã được toàn thế giới chấp nhận là “giáo dục ngay từ thưở mới sinh”. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi giáo dục trở thành “phương tiện trợ giúp cho cuộc sống” và vượt trên những giới hạn hạn hẹp của giảng dạy và sự chuyển giao trực tiếp kiến thức hoặc ý tưởng từ trí óc này sang trí óc khác.
Một trong những nguyên tắc được biết đến nhiều nhất của Phương Pháp Montessori đó là “chuẩn bị cho môi trường”; vào giai đoạn sống này, khá lâu trước khi đứa trẻ đến trường, nguyên tắc này chính là chìa khóa mở ra những nhận thức đúng đắn từ việc giáo dục từ thưở sơ sinh, tới sự dưỡng dục thực sự của một cá thể người ngay từ thời điểm đầu tiên ra đời. Đây là lời đề nghị dựa trên cơ sở khoa học, cũng là lời đề nghị của một cá nhân đã chứng kiến và hỗ trợ cho việc khai thác và phát lộ bản tính con trẻ trên khắp thế giới, những tiềm năng vĩ đại về tinh thần đã bị bỏ qua trong giai đoạn hình thành tính cách, tạo nên bản đối lập rõ nét đối với cái xã hội do loài người vốn đã trở thành sự đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của chính họ.
Trích đoạn
Ngay từ đầu ta phải có một quan niệm rõ ràng về những điều chúng ta dự định cho một phương pháp giáo dục trọn đời bắt đầu từ thưở sơ sinh và thậm chí cả trước khi được sinh ra. Cần thiết phải đi sâu vào vấn đề này, vì gần đây, lần đầu tiên, một người lãnh đạo nhân dân đã đưa ra sự cần thiết không chỉ của việc mở rộng giáo dục cho toàn bộ đời người, mà còn của việc biến ‘sự bảo trợ đời sống’ thành trọng tâm của giáo dục. Tôi nói lần đầu tiên khi tôi đề cập đến một người lãnh đạo chính trị và tinh thần, vì khoa học không chỉ đã thể hiện sự cần thiết của nó, mà ngay từ đầu thế kỷ này nó đã có những đóng góp đáng kể mà chỉ ra rằng quan niệm mở rộng giáo dục đến trọn đời có thể được thực hiện với thành công nhất định. Giáo dục, với tư cách trợ giúp và bảo vệ cuộc sống, là một ý tưởng chắc chắn chưa hiện diện trong lĩnh vực hoạt động của bất cứ bộ giáo dục nào, không ở Mỹ – Bắc hay Nam – cũng không ở châu Âu. Nền giáo dục được biết tới cho tới ngày nay là nền giáo dục đa dạng về phương pháp, mục đích xã hội, và tính quyết định, nhưng nó hầu như không quan tâm gì tới cuộc sống hết. Có rất nhiều phương thức giáo dục được các nước khác nhau ứng dụng, nhưng không có hệ thống giáo dục chính thức nào quan tâm tới bản thân cuộc đời hoặc quyết định bảo vệ sự phát triển và trợ giúp cá nhân từ khi sinh ra. Nếu giáo dục là sự đảm bảo cho cuộc sống, bạn sẽ nhận ra rằng giáo dục cần phải đi cùng với cuộc sống trong cả quá trình của nó. Giáo dục trong thời đại ngày nay không xét gì đến cả đời sống sinh học cũng như đời sống xã hội. Nếu chúng ta dừng lại để suy ngẫm về vấn đề này thì chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng tất cả những người đang trong quá trình giáo dục đều bị tách biệt khỏi xã hội. Sinh viên phải tuân theo những quy tắc được đặt ra bởi các cơ sở khác nhau và tự thích nghi với những khóa học được bộ giáo dục đề ra. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó thì chúng ta cũng nhận ra rằng trong những trường học này chẳng chút quan tâm nào được dành cho chính bản thân cuộc sống. Ví dụ nếu học sinh trung học phổ thông không có đủ thức ăn, thì đó cũng chẳng phải mối quan tâm của trường. Cách thời điểm hiện giờ không lâu nếu có học sinh khiếm thính, người ta dễ nhận ra khi chúng thường nhận điểm thấp hơn vì không thể nghe những gì thầy giáo nói, nhưng sự khiếm khuyết của học sinh cũng không được cân nhắc. Nếu một đứa trẻ bị khiếm thị đứa trẻ cũng bị điểm kém vì đứa trẻ không thể viết đẹp như những học sinh khác. Những khiếm khuyết hình thể đã không được xét đến cho tới tận gần đây và khi việc đó được thực hiện, nó lại được thực hiện từ khía cạnh vệ sinh. Thậm chí, ngay tới giờ, cũng chẳng có ai quan tâm đến những nguy hiểm có thể xảy ra đối với tâm trí của học sinh, những nguy hại do khiếm khuyết trong những phương pháp giáo dục đang được áp dụng. Trường nào quan tâm đến thể loại văn minh mà đứa trẻ bị ép buộc phải sống trong đó chứ? Điều duy nhất các nhà chức trách ngó ngàng đến là liệu chương trình học có được thực thi hay không. Có những khiếm khuyết xã hội có thể đánh gục tinh thần của những thanh niên theo học các trường đại học và đúng là đã đánh gục họ, nhưng lời khuyên răn chính thống là gì? ‘Sinh viên các cậu không nên quá quan tâm đến chính trị. Các cậu phải chăm chỉ học tập, và sau khi đã hình thành nhân cách của mình, hãy bước vào cuộc sống.’ Chính thế. Đúng là thế thật, nhưng giáo dục ngày nay không tạo nên một trí tuệ đủ khả năng hình dung ra cả một kỷ nguyên và những vấn đề của thời đại họ đang sống. Cơ chế đào tạo hoàn toàn xa vời đời sống xã hội mọi thời đại. Quá trình học tập không đi sâu vào giáo dục. Ai đã bao giờ nghe về một bộ giáo dục nào lại được gọi đến để giải quyết vấn đề nhức nhối của đất nước? Chẳng có chuyện thế vì thế giới giáo dục là một dạng ẩn dật nơi một cá nhân, trong suốt cuộc đời học thuật của mình, tồn tại tách biệt với những vấn đề xã hội. Họ chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống bằng cách đứng ngoài lề cuộc sống.
Điều này có thể xảy ra, ví dụ, một sinh viên đại học qua đời vì bệnh lao phổi. Đó thật là điều đáng buồn. Nhưng một trường đại học thì làm được gì? Nhiều nhất là cử người đến viếng tại đám tang. Có rất nhiều cá nhân rất lo lắng hồi hộp; khi họ bước vào đời, họ sẽ thành ra vô dụng không chỉ với chính bản thân, mà còn là nguyên nhân gây ra rắc rối cho gia đình và bạn bè. Có thể là thế, nhưng tôi, với tư cách là nhà cầm quyền, không liên can gì tới những dị biến tâm lý. Tôi chỉ quan tới tới việc học và việc thi cử. Ai đỗ sẽ có bằng và chứng nhận. Trường học trong thời đại của chúng ta chỉ làm đến thế mà thôi. Nhiều người theo học xã hội học hoặc nghiên cứu các vấn đề xã hội đã nói rằng những người xuất thân từ các trường học hoặc đại học đều không chuẩn bị được hành trang cho cuộc đời, không chỉ có thế, phần lớn họ đều đã bị thui chột tiềm năng. Những nhà xã hội học đã lập các bảng thống kê và nhận ra rằng ngày càng có nhiều tội phạm, kẻ điên và còn nhiều hơn nữa những kẻ được cho là ‘quái đản’: họ kết luận rằng trường học phải làm gì đó để khắc phục vấn đề này.
Đây là một thực tế. Trường học là một thế giới khác và nếu như có bất cứ vấn đề nào liên quan đến xã hội xảy ra, họ có thể nhắm mắt làm ngơ. Các nhà xã hội học mới là người nói rằng trường học phải làm điều gì đó, nhưng bản thân trường học lại không có khả năng làm việc đó, vì trường học là một thể chế xã hội lâu đời và những quy tắc của nó không thể bị thay đổi trừ khi có một quyền lực ngoại vi nào áp đặt sự thay đổi này. Đây là một số những khiếm khuyết đi kèm với giáo dục và vì thế cũng gắn liền với cuộc sống của tất cả những người đi học.
Thời trước khi đến trường
Đứa trẻ từ lúc được sinh ra tới khi bảy tuổi, hay trước khi được sinh ra thì thế nào? Trường học không quan tâm chút nào tới vấn đề này. Thời kỳ này được gọi là tiền trường học và điều đó có nghĩa là nó nằm ngoài sự quan tâm của trường học. Và đối với những đứa trẻ vừa mới được sinh ra thì trường học có thể làm gì cho chúng? Bất cứ đâu có những trụ sở được dựng nên cho những học sinh trước tuổi đến trường, chúng đều hầu như không được kiểm soát bởi bộ giáo dục. Chúng được quản lý bởi hội đồng thành phố hoặc những trụ sở tư nhân mà đặt ra những nguyên tắc và luật lệ riêng. Ai coi sự bảo vệ cuộc sống của một đứa trẻ nhỏ là một mối quan tâm mang tính xã hội? Chẳng ai hết! Xã hội nói rằng trẻ con thuộc về gia đình chứ không thuộc về nhà nước chính quyền.
Ngày nay những năm đầu đời đã được đặc biệt coi trọng. Nhưng những ý kiến được đề cử là gì? Việc kết cấu lại gia đình, việc thay đổi theo cái nghĩa là người mẹ cần được giáo dục. Giờ đây gia đình không phải là bộ phận cấu thành nên trường học, mà là một phần của xã hội.Thế là chúng ta thấy nhân tính hay sự quan tâm tới nhân tính đã bị phá tan thành từng mảnh như thế nào. Một mặt là gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, nhưng thông thường lại bị cô lập khỏi xã hội, khỏi sự chăm lo của xã hội. Mặt khác là trường học, cũng bị tách biệt khỏi xã hội, và rồi đến trường đại học. Không hề có khái niệm tập trung đối với sự quan tâm xã hội dành cho đời sống. Có một mảng ở đây, một mảng ở kia, và mỗi mảng chẳng chú ý gì tới nhau. Thậm chí cả những ngành khoa học mới như tâm lý xã hội học và xã hội học dù chỉ ra sự nguy hại của việc tách biệt này thì chính bản thân chúng cũng tách biệt khỏi trường học. Thế nên không đâu có một hệ thống trợ giúp đáng tin cậy cho sự phát triển của đời sống. Khi một diễn giả nói rằng giáo dục phải trợ giúp cho cuộc sống, chúng ta nhận ra sự quan trọng của nó. Điều đó, như tôi đã đề cập đến trước, không lạ gì đối với khoa học trừu tượng, nhưng theo phương diện xã hội thì nó là thứ vẫn chưa tồn tại. Đó là bước cần thực hiện tiếp theo của nền văn minh. Tuy thế mọi thứ đều đã được chuẩn bị: các báo cáo bình luận đã chỉ ra những sai lầm của tình trạng hiện tại, những bản báo cáo khác đã chỉ ra phương cách cứu vãn cần được áp dụng tại các thời kỳ khác nhau của cuộc sống. Tất cả đều sẵn sàng cho công cuộc kiến thiết. Sự đóng góp của khoa học có thể được so sánh với những tảng đá được cắt gọt và sẵn sàng cho công trình, nhưng điều cần thiết là một ai đó có thể vận chuyển những tảng đá đó và xếp chúng lại thành một công trình mới cần thiết đối với nền văn minh. Đó là lý do tại sao quyết định của nhà lãnh đạo Ấn Độ kia lại có tầm quan trọng đến thế. Đó là một bước tiến cho phép nền văn minh phát triển cao hơn và việc kiến tạo nên bước đi này chính là điều chúng ta nỗ lực thực hiện trong lĩnh vực khoa học ứng dụng.
Nhiệm vụ của Giáo dục và Xã hội
Quan niệm giáo dục lấy cuộc sống là trọng tâm để thực hiện chức năng của mình nghĩa là gì? Đó là quan niệm thay đổi mọi tư tưởng trước kia về giáo dục. Giáo dục không còn được phép dựa trên một chương trình học mà phải dựa trên kiến thức về cuộc sống con người. Giờ đây, nếu là thế – và nó buộc phải như vậy – giáo dục trẻ sơ sinh đột nhiên đã có được tầm quan trọng lớn lao. Đúng là trẻ sơ sinh thì không làm được gì hết, không thể được dạy theo nghĩa thông thường, chỉ có thể được quan sát, có thể được nghiên cứu để tìm ra những nhu cầu của đời sống sơ sinh. Những quan sát đã được chúng tôi thực hiện với mục tiêu khám phá những quy luật của sự sống, vì nếu chúng ta muốn trợ giúp sự sống thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là biết những quy luật quản chế sự sống. Không chỉ thế, vì nếu kiến thức là thứ duy nhất chúng ta tìm kiếm thì chúng ta sẽ dậm chân trong lĩnh vực tâm lý học: nhưng nếu chúng ta quan tâm đến giáo dục thì hoạt động của chúng ta không thể chỉ giới hạn ở kiến thức. Kiến thức này phải được truyền bá rộng ra, để tất cả đều phải biết đến sự phát triển tâm hồn của trẻ. Giáo dục khi đó có một chân giá trị mới, một quyền lực mới, vì khi đó giáo dục sẽ nói với xã hội rằng: “Đây là những quy luật của sự sống. Các bạn không thể coi nhẹ nó và các bạn phải hành động theo cách này.”
Thực thế nếu xã hội muốn đưa ra nền giáo dục bắt buộc thì điều đó có nghĩa là giáo dục phải được cung cấp, một cách thực tiễn, nếu không thì ta không thể gọi đó là bắt buộc được; và nếu giáo dục được đặt ra từ khi mới sinh, thì xã hội cần phải biết những quy luật phát triển của đứa trẻ là gì. Giáo dục không còn chỉ tồn tại biệt lập với xã hội mà phải có quyền vượt trên xã hội. Những cơ cấu xã hội phải tự sắp xếp để thực hiện những điều cần thiết để sự sống có thể được bảo vệ. Tất cả đều phải được triệu hồi để cùng cộng tác: các phụ huynh, dĩ nhiên, phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, nhưng nếu gia đình không có đủ phương tiện cần thiết, thì xã hội không chỉ phải cung cấp mỗi kiến thức, mà phải cung cấp đủ phương tiện để giáo dục đứa trẻ. Nếu giáo dục nghĩa là quan tâm đến cá nhân và nếu xã hội nhận ra rằng những điều như thế là cần thiết cho sự phát triển của đứa trẻ và gia đình không có khả năng cung cấp chúng, thì xã hội phải là người cung cấp chúng cho đứa trẻ. Chính quyền không được phép bỏ rơi đứa trẻ. Vậy nên giáo dục, thay vì tồn tại biệt lập với xã hội, buộc phải đảm nhận quyền lực vượt trên cả xã hội. Rõ ràng rằng xã hội phải quản lý cá nhân con người, nhưng nếu giáo dục được coi là một sự trợ giúp cho đời sống, thì sự quản lý này sẽ không mang tính kiềm chế và áp bức, mà quản lý sự trợ giúp về vật chất và tinh thần. Bằng vài từ ngữ này ta sẽ nhận ra rằng bước tiếp theo cho xã hội là dành riêng một khoản tiền lớn cho giáo dục.
Những nhu cầu của đứa trẻ trong giai đoạn phát triển được nghiên cứu từng bước một cách khoa học và những kết quả của nghiên cứu này đã được đưa ra trước xã hội. Giáo dục được thai nghén như một sự trợ giúp cho cuộc sống đòi hòi mọi người – không chỉ mỗi đữa trẻ. Có nghĩa là ý thức xã hội cần lãnh trách nhiệm giáo dục và rằng giáo dục sẽ truyền bá kiến thức của nó cho toàn thể xã hội trong mọi bước nó tiến hành, thay vì tồn tại biệt lập với xã hội như ngày nay. Giáo dục với tư cách bảo vệ cuộc sống tác động không chỉ đến đứa trẻ, mà đến cả mẹ và cha cùng chính quyền và tài chính quốc tế. Đó là thứ chuyển dời mọi thành phần của xã hội, thực thế nó mang tầm vĩ đại nhất trong những hoạt động xã hội. Giáo dục thời đại này! Liệu ta có thể tưởng tượng được điều gì bất động, trì trệ và thờ ơ như thế không? Ngày nay nếu kinh tế được thực thi trong chính quyền, giáo dục sẽ là nạn nhân đầu tiên của nó. Nếu chúng ta hỏi bất cứ một nhà diễn thuyết nổi tiếng nào về giáo dục thì ông ta sẽ nói với chúng ta rằng: “Tôi không biết gì về giáo dục hết. Giáo dục là một lĩnh vực chuyên biệt. Tôi thậm chí còn giao phó việc giáo dục con cái mình cho vợ tôi và cô ấy đã đưa chúng tới trường học.” Trong tương lai sẽ không một đầu não chính quyền nào có thể trả lời kiểu này khi nói về giáo dục hết.
Đứa Trẻ Người Xây dựng Con Người
Giờ, chúng ta hãy xem xét một quan điểm khác. Chúng ta hãy xem xét những trang nhận định viết bởi những nhà tâm lý học khác nhau mà đã nghiên cứu trẻ em từ năm đầu tiên trong đời. Ý niệm nào có thể được rút ra từ chúng? Nhìn chung từ bây giờ trở đi thay vì phát triển một cách tự phát, cá nhân sẽ phát triển một cách khoa học, với sự chăm sóc tốt hơn. Đứa trẻ sẽ có được sự phát triển và trưởng thành tốt hơn. Đây là ý tưởng chung: “Cá thể sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, cá thể sẽ phát triển cân bằng hơn về trí tuệ và có một nhân cách vững vàng hơn.” Nói cách khác quan niệm cực đoan là bên cạnh việc được cung cấp vệ sinh thân thể, đứa trẻ đang phát triển sẽ được chăm sóc cả về vệ sinh tâm hồn. Nhưng điều này không thể là tất cả được. Hãy giả như khoa học đã đạt được một số phát hiện về thời kỳ đầu đời này, và đây không chỉ là một giả thuyết. Thực tế trong một đứa trẻ có những năng lực lớn hơn rất nhiều những gì thường được nhận thấy, vì chính trong giai đoạn này mà sự kiến thiết, sự xây dựng con người được diễn ra, vì tại thời điểm được sinh ra, nói về mặt tâm hồn, thì chẳng có gì hết – hoàn toàn không! Thực thế không chỉ về mặt tâm lý, vì tại thời điểm sơ sinh thì đứa trẻ gần như tê liệt, đứa trẻ không thể làm được bất cứ việc gì, đứa trẻ không thể nói, dù đứa trẻ có thê nhìn thấy mọi thứ xảy ra xung quanh mình. Và hãy nhìn đứa trẻ một thời gian sau đó; đứa trẻ, nói, đi, và trải hết cuộc chinh phục này đến cuộc chinh phục khác cho tới khi đứa trẻ đã xây dựng được con người với tất cả sự vĩ đại của mình, với tất cả sự thông tuệ của mình. Nếu chúng ta xét đến điều này thì chúng ta bắt đầu có chút khái niệm về hiện thực. Đứa trẻ không phải là một thực tể trống rỗng chịu ơn chúng ta về tất cả những gì đứa trẻ biết được. Không, đứa trẻ là người xây dựng nên con người. Chẳng người nào tồn tại được mà không được hình thành từ đứa trẻ đã từng là anh ta. Để tạo dựng nên một con người cần những sức mạnh lớn lao và những sức mạnh này chỉ tồn tại duy nhất trong đứa trẻ. Những sức mạnh lớn lao này của đứa trẻ mà chúng ta đã miêu tả từ trước tới giờ, và cuối cùng cũng đã thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học, cho tới giờ đã bị che lấp dưới tấm màn của tình mẹ, theo cách hiểu rằng người ta nói là người mẹ là người tạo nên đứa trẻ, người mẹ là người dạy đứa trẻ nói, đi lại, vân vân và vân vân. Nhưng tôi lại cho rằng đó không phải là người mẹ. Chính bản thân đứa trẻ là người làm tất cả những việc này. Việc người mẹ tạo ra là đứa trẻ sơ sinh, nhưng đứa trẻ sơ sinh này mới là người tạo nên con người trưởng thành. Giả như người mẹ mất đi, đứa trẻ cũng sẽ phát triển đúng như vậy. Thậm chí nếu không có người mẹ, và thậm chí nếu người mẹ không có đủ sữa để cho đứa trẻ bú, chúng ta sẽ cho trẻ thứ sữa khác và đó là cách đứa trẻ tiếp tục lớn lên. Chính đứa trẻ sẽ tự mình xây dựng bản thân chứ không phải người mẹ. Giả như chúng ta đưa một cậu bé Ấn Độ đến Mỹ và gửi gắm đứa trẻ cho một số người Mỹ. Đứa trẻ này sẽ học tiếng Anh chứ không phải tiếng Ân Độ. Nói tới tiếng Anh, chúng tôi muốn nói tới tiếng Anh Mỹ. Thế nên người mẹ không phải người truyền thụ kiến thức. Đứa trẻ tự tiếp thu nó và nếu những người Mỹ này thực sự đối xử với đứa trẻ như máu mủ ruột thịt, đứa trẻ Ấn Độ này sẽ tiếp thu những phong tục tập quán của người Mỹ chứ không phải của những người Ấn Độ. Thế nên chẳng điều gì trong số những điều này mang tính di truyền hết. Người cha và người mẹ không thể nhận công trạng: đứa trẻ mới là người, trong quá trình sử dụng tất cả những gì đứa trẻ tìm thấy quanh mình, hình thành chính bản thân cho tương lai.
Đứa trẻ cần sự giúp đỡ đặc biệt để xây dựng phần người một cách hoàn thiện và xã hội phải quan tâm tới điều này. Nhận ra những điểm tốt của đứa trẻ không làm giảm uy quyền của người cha và người mẹ vì khi họ nhận ra rằng họ không phải người xây dựng, mà chỉ là những người giúp sức cho công cuộc kiến thiết này, thì họ sẽ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình tốt hơn; họ sẽ giúp đứa trẻ với tầm nhìn rộng mở hơn. Chỉ khi sự giúp đỡ này được thực thi thì đứa trẻ mới có thể thực hiện được một cuộc kiến thiết tốt đẹp, chứ không phải ngược lại. Vì thế quyền uy của bậc làm phụ huynh không dựa trên sự hống hách độc lập mà dựa trên sự trợ giúp được trao cho đứa trẻ. Phụ huynh không có quyền hạn gì ngoài việc đó. Chúng ta hãy xem xét một khía cạnh khác. Tất cả đều đã nghe nói tới Karl Marx người đã khởi xướng một cuộc cải cách xã hội khi ông khiến những người công nhân nhận ra rằng tất cả những gì xã hội được hưởng thụ đều dựa trên lao động của họ và rằng tất cả những gì chúng ta có trong môi trường của mình đều được tạo ra bởi một người đàn ông hoặc một người phụ nữ nào đó. Cuộc sống thường nhật của chúng ta được dựa trên những người lao động này và nếu họ dừng sản xuất, cuộc sống xã hội và chính trị của chúng ta sẽ chấm dứt. Đây là một phần trong học thuyết của Karl Marx. Người lao động là những người thực sự trao cho chúng ta khả năng tiếp tục sống; họ tạo nên môi trường và cung cấp mọi thứ, thức ăn, quần áo, mọi phương tiện của đời sống. Khi con người nhận ra điều này, người lao động sẽ không còn xuất hiện với tư cách một kẻ làm công đáng thương phải phụ thuộc vào người chủ để có miếng ăn; anh ta sẽ nắm lấy tầm quan trọng của chính mình. Trước đó tất cả tầm quan trọng đều chỉ được trao cho hoàng tử, vua và những nhà tư bản, nhưng sau đó công trạng của người lao động đã được đưa ra ánh sáng. Và sự đóng góp thực sự của nhà tư bản được nhìn nhận với tư cách là người cung cấp những phương tiện người công nhân cần đề tiến hành công việc; và rằng cung cấp điều kiện làm việc tốt hơn cho người công nhân thì những sản phẩm anh ta làm ra càng tốt và chính xác hơn.
Chúng ta hãy đưa ý tưởng này vào lĩnh vực của mình. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng đứa trẻ là công nhân tạo dựng ra con người. Phụ huynh cung cấp phương tiện kiến thiết cho người lao động. Vấn đề xã hội chúng ta phải đối mặt khi đó mang tầm quan trọng hơn, vì từ lao động của đứa trẻ kia, chính nhân tính đã được sản sinh, chứ không phải chỉ một cá thể đơn thuần. Thời thơ ấu không sản sinh ra một sắc tộc, một giai cấp, một nhóm xã hội, mà sản sinh ra cả một tổng thể con người. Đây là thực tế mà loài người cần nhìn nhận: chính đứa trẻ là điều xã hội cần quan tâm đến, người lao động này đã sản sinh ra chính bản thân con người. Hai vấn đề xã hội này đã chỉ ra một sự giống nhau đáng ngạc nhiên, ví dụ trước khi Karl Marx trình bày tư tưởng này, giai cấp lao động không được chú trọng. Họ phải làm tất cả những gì được giao y như đứa trẻ vậy; nhu cầu và chân giá trị với tư cách là một con người của người lao động đã không được coi trọng. Trong công cuộc lao động của đứa trẻ, nhu cầu của cuộc sống – vật chất và tinh thần – đã không được coi trọng, và phẩm giá của một con người không hề tồn tại trong đứa trẻ. Những người theo chủ nghĩa xã hội và những người cộng sản đã làm những gì? Họ đã mở đầu một cuộc vận động để có được điều kiện sống tốt hơn cho người công nhân. Cũng như thế với đứa trẻ, với người kiến thiết này, chúng ta phải cho đứa trẻ điều kiện sống tốt hơn. Người công nhân đòi hỏi nhiều tiền hơn, lượng tiền lớn hơn cũng phải được trao cho những người tạo nên con người. Những người lao động mong muốn được giải thoát khỏi xiềng xích và áp bức. Chúng ta phải giải phóng tuổi thơ khỏi những đè nén đang đè nặng lên nó. Tình trạng của nhà kiến thiết con người này thậm chí còn nghiêm trọng hơn của những người kiến thiết môi trường. Cải thiện điều kiện sống cho nhà kiến thiết con người sẽ mang lại những cải thiện cho loài người nói chung. Chúng ta phải đi theo người lao động vĩ đại này ngay từ khi đứa trẻ bắt đầu, từ khi mới sinh ra, đi theo đứa trẻ cho tới khi đứa trẻ trưởng thành; và cung cấp cho đứa trẻ những phương tiện cần thiết để việc kiến thiết được tốt đẹp. Chúng ta phải nhớ rằng đứa trẻ sẽ thiết lập con người với trí tuệ của mình sẽ xây dựng nền văn minh. Đứa trẻ là người xây dựng trí tuệ của chúng ta, và chính trí tuệ loài người của chúng ta đã dìu dắt chúng ta và sản sinh ra thứ chúng ta gọi là nền văn minh.
Nếu bản thân sự sống được quan tâm và nghiên cứu, chúng ta sẽ biết được bí mật của tính người. Chúng ta sẽ có trong tay năng lực hướng dẫn và cứu vớt nhân loại. Tầm nhìn xã hội của Karl Marx đã đem đến một cuộc cách mạng. Đó là một cuộc cách mạng chúng ta nói tới khi chúng ta bàn về giáo dục. Đó là một cuộc cách mạng bởi lẽ tất cả những gì ngày nay chúng ta biết sẽ phải thay đổi. Thực thế tôi coi nó là cuộc cách mạng cuối cùng. Nó sẽ là một cuộc cách mạng phi bạo lực vì nếu chỉ một chút bạo lực thôi tác động đến đứa trẻ, thì công cuộc kiến thiết tâm hồn của đứa trẻ sẽ bị sai lệch. Sự kiến thiết tinh vi của tính thông thường của loài người cần được bảo vệ, đúng như nó phải thế; nó cần được thực hiện mà không bị chút bạo lực nào đe dọa. Thực thế mọi cố gắng của chúng ta đều là để dỡ bỏ mọi chướng ngại khỏi con đường trưởng thành của trẻ. Chúng ta đã xóa bỏ mọi hiểm nguy và hiểu lầm xung quanh đứa trẻ.
Đây là mục tiêu của giáo dục với tư cách trợ giúp cho cuộc sống; sự giáo dục từ thưở lọt lòng đã mang lại một cuộc cách mạng; một cuộc cách mạng xóa bỏ mọi bạo lực, một cuộc cách mạng trong đó mọi người đều hướng tới một trọng tâm chung. Mẹ, cha, những diễn thuyết gia – tất cả đều chú trọng tới việc tôn trọng và giúp đỡ công cuộc kiến thiết tinh tế mong manh được thực thi trong màn bí ẩn tâm linh tuân theo sự chỉ dẫn của giáo viên nội tâm.
Đây là tia hy vọng mới cho loài người. Đây không chỉ là một cuộc tái thiết, mà là sự trợ giúp cho sự kiến thiết được thực thi bởi tâm hồn con người như chính nó phải thế, được phát triển giữa tất cả những tiềm năng bao la mà đứa trẻ mới lọt lòng được ban tặng.