Lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, với tư tưởng tiến công và đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời. Đó là tư tưởng chủ đạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nhờ có nền nghệ thuật quân sự khéo léo và đầy sáng tạo, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, ngoạn mục, dù trong tương quan so sánh, nước ta luôn là một nước có diện tích nhỏ bé và ít người.
Là một nhà lý luận quân sự xuất sắc, nhà nghiên cứu khoa học quân sự và có nhiều năm trực tiếp chỉ huy quân đội, Thượng tướng - Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã dồn tâm huyết vào việc nghiên cứu nghệ thuật quân sự Việt Nam. Những đóng góp quý báu của Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã được ghi nhận khi Cụm công trình về nghệ thuật quân sự của ông được Giải thưởng Nhà nước vào năm 2005. Đầu năm 2008, ông đã chia sẻ với bạn đọc những nghiên cứu của mình trong cuốn sách Bàn về nghệ thuật quân sự, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.
Nghệ thuật quân sự không có một khuôn mẫu cụ thể nào, nó có thể được biến hoá khôn lường, muôn hình muôn vẻ. Có thể kể đến những nghệ thuật chiến dịch như: Nghệ thuật đột phá; Nghệ thuật chọc sâu; Nghệ thuật bao vây vu hồi; Nghệ thuật chính - kỳ; Nghệ thuật chia cắt chiến dịch; Nghệ thuật mưu kế thế, thời. Trong chiến thuật thì có Chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt; Chiến thuật vận động bao vây tiến công liên tục… Trong nghệ thuật tác chiến, bày binh bố trận, người chỉ huy quân sự có thể bố trí vô vàn các kiểu hình trận và thế trận.
Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán là một điển hình cho nghệ thuật đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế, thời: Sau khi Kiều Công Tiễn ám sát Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ và bán nước cho nhà Nam Hán, Ngô Quyền - một tướng tài giỏi và là con rể của Dương Đình Nghệ, lúc đó đang được cử trông coi Ái Châu (Thanh Hoá) – liền kéo quân ra Bắc trị tội tên phản bội và chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Quân Nam Hán dùng thuỷ quân vào đánh chiếm nước ta theo vịnh Hạ Long. Ngô Quyền cho binh lính đóng cọc lim trên cửa sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, ông cho thuyền nhẹ ra khiêu chiến, nhử địch vào trong cửa sông. Khi thuỷ triều xuống, thuyền quân ta phản công, phối hợp với phục binh ở hai bên bờ. Thuyền địch vướng phải cọc đắm vỡ, giặc bị chết và bị bắt rất nhiều, chỉ huy Hoằng Tháo bị giết tại trận. Mưu kế của Ngô Quyền trong trận này bắt nguồn từ kinh nghiệm dựa vào quy luật thuỷ triều lên xuống của dân chài, thế - thời được vận dụng rất rõ và rất hay. Thế là cọc Bạch Đằng, thời là nước thuỷ triều lên xuống.
Cuối năm 1788, nhân cơ hội Lê Chiêu Thống cầu cứu, quân Thanh, dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị, tiến vào nước ta chiếm đóng Thăng Long. Trước tình hình đó, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, khẩn trương chuẩn bị phản công. Nguyễn Huệ chia lực lượng làm hai khối: khối bao vây và khối tiến công. Liên tiếp trong ba ngày, quân ta tiến công tiêu diệt mấy vạn quân Thanh và quân của Lê Chiêu Thống. Sau đó, quân ta tiến hành công kích các mục tiêu chủ yếu: Nguyễn Huệ tiến đánh Ngọc Hồi từ chính diện; Đặng Tiến Đông tiến công Đống Đa. Kết quả là Tôn Sĩ Nghị tháo chạy khỏi Thăng Long, tướng giặc Sầm Nghi Đống và Hứa Thế Hanh bị giết, hàng vạn quân bị tiêu diệt. Chỉ sau 5 ngày tác chiến, Nguyễn Huệ cùng đại quân tiến vào kinh đô, đất nước được hoàn toàn giải phóng. Có thể nói, tài năng, nghệ thuật quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đạt tới đỉnh cao, chiến tích trận Thăng Long có thể so sánh với các trận đánh hay nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, là sự kết hợp giữa chính binh và kỳ binh. Đánh chính diện - đó là chính binh, kết hợp với bao vây vu hồi, đánh vào sau lưng - đó là kỳ binh. Đây là một nghệ thuật hay và hiểm, có tính bất ngờ cao, tính thời cơ lớn, và vua Quang Trung đã vận dụng nghệ thuật này một cách hoàn hảo.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trận đánh trong lịch sử quân sự nước ta, giành đại thắng nhờ nghệ thuật quân sự tài tình. Trận Như Nguyệt (Lý Thường Kiệt đánh quân xâm lược Tống), trận Chương Dương - Thăng Long, trận Bạch Đằng, trận Chi Lăng - Xương Giang cũng là những trận đánh tiêu biểu cho khả năng vận dụng tuyệt vời nghệ thuật quân sự của người cầm quân.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, nghệ thuật quân sự được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, chủ động và có bước trưởng thành mới. Chiến tranh nhân dân ba thứ quân là bảo bối của kháng chiến, đã phát huy được sức mạnh của toàn dân. Ba thứ quân đó là quân chủ lực, quân địa phương và dân quân tự vệ, du kích. Chiến dịch Biên giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, chiến dịch Tây Nguyên 1972, cuộc các chiến dịch trong chiến cục Xuân 1975… là các chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, có sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt những mưu kế, nghệ thuật dụng binh trong lịch sử, đồng thời thể hiện bước trưởng thành lớn trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nhờ vậy mà các chiến dịch đã giành được những thắng lợi mang tầm vóc lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”. Xa hơn nữa, trong tác phẩm Quân trung từ mệnh tập có nói: “Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn, mất thời không thế, thì mạnh hoá ra yếu, yên lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng vô song của nghệ thuật quân sự. Những nghiên cứu sâu sắc, những tổng kết kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự trong lịch sử quân sự nước ta của Thượng tướng - Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Hoàng Minh Thảo là một đóng góp quan trọng, đáng trân trọng trong việc gìn giữ, phát triển kho tàng nghệ thuật quân sự quý báu Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách Bàn về nghệ thuật quân sự tại Nhà sách 24 Quang Trung và các hiệu sách với giá 50.000đ, sách dày 355 trang.
GIAO LINH