Bộ sách là công trình khoa học nghiên cứu lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam qua các thời đại, từ buổi đầu dựng nước và giữ nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh.
Bộ sách gồm 5 tập:
- Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập I: Từ thế kỷ III Tr.CN đến thế kỷ XV nghiên cứu tư tưởng quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương đến khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng chống Minh đầu thế kỷ XV (1427). Nội dung thể hiện ý thức đấu tranh quân sự trong sự nghiệp giữ nước thời Hùng Vương - An Dương Vương; bao gồm những yếu tố tạo thành ý thức dân tộc và sức mạnh giữ nước, sự xuất hiện buổi đầu tư duy, tư tưởng phòng thủ đất nước và những bài học mất nước thời An Dương Vương. Kết quả nghiên cứu nêu rõ quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng quân sự Việt Nam bao gồm: sự xuất hiện và phát triển tư duy quân sự trong thời kỳ đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc và ý chí độc lập tự chủ của nhân dân ta trong hơn mười thế kỷ; sự phát triển tư tưởng lý luận quân sự thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ và thời kỳ khởi nghĩa, chiến tranh chống quân Minh xâm lược. Cuốn sách nêu rõ những quan điểm, tư tưởng quân sự và giá trị của những quan điểm đó đối với ngày nay. Nổi bật trong thời kỳ này là tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách "Ngụ binh ư nông" dưới các triều Lý, Trần; tư tưởng chủ động chiến lược "Tiên phát chế nhân" của Lý Thường Kiệt trong kháng chiến chống Tống; tư tưởng coi trọng xây dựng chất lượng quân đội của Trần Quốc Tuấn: "Binh quý hồ tinh bất quý hồ đa", "Phụ tử chi binh", "Bạt dụng lương tướng"; tư tưởng nghệ thuật quân sự "Dĩ đoản chế trường", "Cử quốc nghênh địch", "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức", "Chúng chí thành thành" trong kháng chiến chống Mông - Nguyên; tư tưởng "Khoan thư sức dân... là thượng sách giữ nước" thời Trần; tư tưởng "Thái bình tu trí lực" của Trần Quang Khải; tư tưởng tác chiến phòng thủ thời Hồ; tư tưởng coi trọng sức dân: "Phúc chu thủy tín dân do thủy" và tư tưởng "Tâm công" của Nguyễn Trãi; tư tưởng xây dựng đất đứng chân - căn cứ địa, tư tưởng khởi nghĩa toàn dân, tư tưởng nhân nghĩa, nhân văn quân sự trong cuộc chiến tranh giải phóng của Lê Lợi và Nguyễn Trãi, v.v..
- Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập II: Từ năm 1428 đến năm 1858 trình bày hệ thống quan điểm cơ bản của nhà nước Lê Sơ về vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia; nêu những quan điểm tư tưởng quân sự trong thời kỳ nội chiến phong kiến và khởi nghĩa nông dân (thế kỷ XVII - XVIII); đi sâu phân tích tư tưởng lý luận quân sự Đào Duy Từ, Nguyễn Bỉnh Khiêm; tư tưởng quân sự của Quang Trung - Nguyễn Huệ, bao gồm: tư tưởng xây dựng quân đội tinh nhuệ, xây dựng căn cứ khởi nghĩa, tư tưởng chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống Xiêm, chống Thanh và tư tưởng quốc phòng triều Tây Sơn. Nội dung cuốn sách còn trình bày quan điểm tư tưởng của triều Nguyễn đối với vấn đề quốc phòng - quân sự, về vấn đề mở rộng và thống nhất cương vực, lãnh thổ; những quan điểm khác nhau trong nội bộ triều đình Nguyễn trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Nổi bật trong tư tưởng quân sự giai đoạn này là tư tưởng quốc phòng thời Lê Sơ với những quan điểm tiến bộ như "Biên phòng hảo vị trù phương lược, xã tắc ưng tu kế cửu an" (biên phòng c ần có phương lược tốt, đất nước nên có kế sách lâu dài) của Lê Thái Tổ, tư tưởng "quyết tâm giữ vững từng thước núi, tấc sông" của vua Lê Thánh Tông; tư tưởng chỉ đạo nghệ thuật quân sự thần tốc, táo bạo, bất ngờ, mãnh liệt và tư tưởng quyết tâm giải quyết cuộc chiến tranh bằng một trận quyết chiến chiến lược của Quang Trung - Nguyễn Huệ...
- Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập III: Từ năm 1858 đến năm 1945. Giai đoạn này trình bày đậm nét những quan điểm quân sự cơ bản đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc và những quan điểm quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ mới thành lập; nêu rõ quá trình hình thành và hoàn thiện tư tưởng quân sự Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, hạt nhân của tư tưởng và đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thắng lợi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối quân sự của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Tư tưởng quân sự theo xu hướng cách mạng mới do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng và lãnh đạo đã dẫn dắt cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam, nhằm tìm ra con đường cứu nước đúng đắn của dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đó là tư tưởng "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản", đó là đường lối đấu tranh kiên quyết và khôn khéo sử dụng các loại hình bạo lực cách mạng; kết hợp chính trị và vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng giữ vai trò quyết định; kết hợp nông thôn với thành thị; kết hợp các loại hình đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp, từ thấp lên cao, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Đó cũng là tư tưởng quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập IV: Từ năm 1945 đến năm 1975, nghiên cứu tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam qua quá trình lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, với những nội dung quan trọng nổi bật như: Tư tưởng kháng chiến vì hòa bình, vì độc lập tự do và toàn vẹn lãnh thổ; tư tưởng quyết chiến quyết thắng giặc ngoại xâm; tư tưởng phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc; tư tưởng tiến hành chiến tranh nhân dân, kháng chiến toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ viện trợ quốc tế; tư tưởng xây dựng căn cứ địa, hậu phương chiến tranh; vừa kháng chiến vừa kiến quốc; tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân và nền quốc phòng toàn dân ở Việt Nam. Tư tưởng quân sự Việt Nam phát triển rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh, là hạt nhân của đường lối quân sự của Đảng, là cội nguồn chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tư tưởng quân sự trong hai cuộc kháng chiến này có nội dung phong phú, cách mạng và tiến bộ - đó là hệ thống quan điểm tư tưởng về quốc phòng và quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Lịch sử Tư tưởng quân sự Việt Nam - Tập V: Tổng luận đi sâu khái quát, rút ra những vấn đề chung nhất, có tính quy luật, xuyên suốt tiến trình lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam; trong đó bao gồm những quan điểm tư tưởng tiêu biểu, tiến bộ, được biểu hiện chủ yếu trên các phương diện sau đây:
+ Những giá trị truyền thống yêu nước, tư tưởng đấu tranh vì độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ;
+ Tư tưởng khởi nghĩa vũ trang;
+ Tư tưởng chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam;
+ Tư tưởng xây dựng căn cứ địa, hậu phương và tư tưởng quốc phòng;
+ Tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang;
+ Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Những vấn đề trên tuy không thể bao hàm được toàn bộ lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam qua các thời đại, nhưng đó là những nội dung quan trọng, nổi bật và có tính phổ quát nhất, được trình bày khái quát theo tiến trình lịch sử, để từ đó rút ra những kết luận, những đặc điểm chủ yếu của lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam.