Tác giả: Monipue Chemillier – Gendreau
Số trang: 344 trang
Giá tiền: 82.000đ
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục và hòa bình; phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế; được nhiều quốc gia, tổ chức và học giả nổi tiếng trên thế giới thừa nhận, ủng hộ.
Một trong những học giả nổi tiếng, bà Monipue Chemillier – Gendreau, giáo sư công pháp và khoa học chính trị ở Trường đại học Paris – VII – Denis DiDerot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội Luật gia Châu Âu, đã viết cuốn sách Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách đã được Nhà xuất bản L`Harmattan Paris (Pháp) công bố vào tháng 3-1996. Đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và độc lập của một học giả nước ngoài. Trong đó, dưới góc độ luật gia quốc tế, tác giả đã phân tích lập luận của các bên liên quan đến cuộc tranh chấp hai quần đảo và đưa ra những giải pháp cho vấn đề tranh chấp phức tạp này dựa vào cơ chế giải quyết tranh chấp luật quốc tế và đặc biệt là của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Cuốn Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tài liệu tham khảo giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như việc giải quyết tranh chấp dưới góc độ pháp luật quốc tế.
Bằng cách dựa vào các tài liệu lưu trữ và cả các tài liệu pháp lý hiện có, cuốn sách đã đề cập việc nghiên cứu quy chế của các nước quần đảo nói trên qua bốn chương, bao gồm: các dữ kiện chung liên quan đến chúng, việc thụ đắc danh nghĩa ban đầu, sự tiến triển về sau của danh nghĩa và cuối cùng là các triển vọng giải quyết.
Cuốn sách đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề như: vấn đề của luật pháp quốc tế về quyền lợi của các bên có liên quan bằng việc mô tả địa lý các lãnh thổ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chỉ ra các yếu tố của vấn đề pháp lý và xem lại điểm chủ yếu của khung thời gian các sự kiện mà lập luận pháp lý có thể dựa vào. Đồng thời, cũng nói rõ về mặt thụ đắc chủ quyền, các danh nghĩa, đặc biệt đã đưa ra một số kết luận và các cơ sở giải quyết tranh chấp hai quần đảo.
Cuốn sách sẽ là một đóng góp cho sự phân tích các vấn đề liên quan đến hai quần đảo. Đây là tài liệu tin cậy dựa trên các nguồn tư liệu do các quốc gia khác nhau đưa ra, trên cơ sở các công trình học thuyết pháp lý và đặc biệt là trên các nguồn lưu trữ của Pháp.