“Tôi cho rằng, người đại biểu của nhân dân phải là người phản biện để xây dựng, chứ không thể là người vô cảm với những bức xúc của cử tri, những khiếm khuyết, trì trệ trong dịch vụ công của cơ quan điều hành, những hạn chế trong quản lý xã hội dân sự. Tuy nhiên, tôi cũng canh cánh bên lòng rằng, người đại biểu của nhân dân không thể “mị dân” mà phải nắm vững chủ trương, chính sách và pháp luật, có quan điểm chính trị toàn diện khi phát biểu ý kiến, phản biện mang tính xây dựng”.
(TS. Phạm Minh Trí)
Sau một nhiệm kì 5 năm làm người đại biểu nhân dân của thành phố lớn nhất, năng động nhất và hiện đại nhất của cả nước, cùng những trải nghiệm vừa mang tính lí luận vừa mang đậm tính thực tiễn của những năm làm công tác quản lí doanh nghiệp cũng như trên cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lí Tp.HCM, TS. Phạm Minh Trí thấy như mình vẫn còn mắc một món nợ chưa trả với gần hàng chục triệu cử tri Thành phố nếu không ghi lại hồi ức còn nóng hổi về những năm tháng hoạt động sôi nổi trong không khí nghị trường mà cơ may của cuộc đời đã cho ông được tham gia.
Cuốn sách được chia làm 3 phần:
- Phần 1: Đổi mới - vượt lên chính mình;
- Phần 2: Khoảnh khắc đáng nhớ sau một nhiệm kì;
- Phần 3: Những suy tư về kinh tế vĩ mô;
Phần đầu là kỉ niệm với những trăn trở của các nhà lãnh đạo trong buổi đầu thời kì đổi mới. Bạn đọc sẽ bắt gặp ở phần này những trang viết về không khí của Tp.HCM trên lĩnh vực kinh tế của buổi bình minh đổi mới hơn 35 năm về trước. Đó là những cuộc phản biện đầy kịch tính nhằm tấn công vào dinh lũy của tư tưởng bao cấp đã trở thành cố hữu trong nếp tư duy của số đông lãnh đạo các cấp. Bây giờ, sau một phần ba thế kỉ đã đi qua, nhìn lại quá khứ ai cũng dễ dàng thấy được sự phi lí của cơ chế quản lí nhà nước và quản lí kinh tế theo cơ chế bao cấp đầy tinh thần quan liêu và duy ý chí. Nhưng để có được một cái nhìn thông thoáng như ngày nay, những trang sách của Phạm Minh Trí đã cho thấy, nền kinh tế Thành phố nói riêng và cả nước ta nói chung đã phải trả một cái giá không hề rẻ chút nào, mà trong đó công đầu phải kể đến những cái đầu mang tinh thần cách mạng của những nhà lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… đã kiên quyết ủng hộ và đi theo lối tư duy mới, tư duy của nền kinh tế thị trường có sự quản lí và điều tiết của nhà nước.
Phần 2 là những khoảnh khắc đáng nhớ sau một nhiệm kì ngồi ghế đại biểu HĐND Thành phố. Đây thực sự là những dòng hồi ức của cựu đại biểu Phạm Minh Trí về hoạt động chốn nghị trường nhất là trong những kì họp nóng bỏng các vấn đề kinh tế - xã hội của HĐND Thành phố. Từ những vấn đề về mang tính vĩ mô như cân đối thu chi, về thực hiện sự cân bằng của cán cân xuất nhập khẩu; đến những vấn đề tưởng như nhỏ mà không hề nhỏ chút nào như có nên “tuyên chiến” với xe gắn máy để khơi thông sự ùn tắc của giao thông đô thị, vấn đề học phí và lạm thu trong trường học.v.v. Tất cả vẫn đang là những chuyện nóng thậm chí là rất nóng trong cuộc sống đô thị của chúng ta ngày nay. Từ những trang bài ở phần hai của cuốn sách, tác giả đem đến cho bạn đọc hình ảnh về một đại biểu trí thức, chín chắn và sôi nổi biết xuất hiện đúng lúc để góp phần làm nên thành công của HĐND Thành phố trong mỗi kì họp và sau một nhiệm kì 5 năm của chính bản thân tác giả.
Ở Phần 3 là những suy tư của tác giả về nền kinh tế vĩ mô. Bạn đọc có thể bắt gặp trong sách này những bài viết của TS. Phạm Minh Trí đã đăng đó đây trên các báo như Sài Gòn giải phóng, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Vietnamnet… Nói khiêm tốn là những suy tư nhưng thực ra đây là những bài viết mang tính trải nghiệm của tác giả dưới con mắt nhìn của một nhà nghiên cứu kinh tế. Đó là những đề tài, vấn đề đã và đang mang tính thời sự hơn lúc nào hết trong đời sống kinh tế - xã hội của cả nước và của Thành phố. Những vấn đề mà vào những ngày này vẫn đan nóng ran trên diễn đàn Quốc hội. Chẳng hạn có nên xã hội hóa để phát triển giao thông đô thị; kích cầu tiêu dùng và chính sách an sinh - xã hội; kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2010... Và đặc biệt là những vấn đề thuộc về tư duy kinh tế như là một thế mạnh trong nghiên cứu của TS Phạm Minh Trí như: Tái cấu trúc nền kinh tế: “Tái cấu trúc” tư duy và chính sách; Tái cấu trúc nền kinh tế trước hết phải tái cấu trúc về nguồn nhân lực; Vàng trong dân không phải là vàng “chết”; Điều chỉnh mô hình tăng trưởng.v.v. Tất cả là những phát biểu như là một sự phản biện tích cực của tác giả trước những đề tài nóng cuả nền kinh tế nước nhà.
Nhân thể xin nói thêm về khái niệm phản biện từ trong nhan đề của cuốn sách cũng như xuất hiện với mật độ khá dày trong tiêu đề và nội dung các bài viết của tác giả. Phản biện là một từ hoàn toàn do người Việt tạo ra, ghép bởi hai từ gốc chữ Hán - Việt. Trong tiếng Trung Quốc có từ phản và từ biện, nhưng không có từ phản biện. Phản là ngược lại, chống lại; vì thế phản biện dễ bị hiểu là biện luận theo chiều ngược lại, phản đối và phủ nhận. Theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt: "Phản biện là đánh giá chất lượng một công trình khoa học khi công trình được đưa ra bảo vệ để lấy học vị trước hội đồng chấm thi". Như vậy phản biện là đánh giá chất lượng một cách khoa học các chủ trương chính sách, dự án, công trình nghiên cứu, tác phẩm v.v... Do vậy chớ nên hiểu nhầm phản biện là phản bác, phản đối, phủ nhận - những chuyện mà người phương Đông chúng ta chẳng mấy ai thích, nhất là giới làm lãnh đạo, thậm chí còn sợ hãi sự phản biện, xem đó là từ nhạy cảm. Nói như thế để thấy rằng viết cuốn sách này và đặt cho nó nhan đề Phản biện để xây dựng, TS. Phạm Minh Trí cũng đã góp phần đưa một vấn đề đã cũ trong các nước văn minh và phát triển nhưng vẫn còn mới trong xã hội ta ra trước công luận và đông đảo bạn đọc nhằm tạo nên một sự bình thường trong sinh hoạt và đời sống xã hội. Chân lí là sự đúng đắn nhưng chân lí cũng có tuổi thọ của nó. Trong tiến trình phát triển của xã hội, có rất nhiều điều hôm nay là chân lí nhưng ngày mai có thể trở thành lạc hậu. Để đi đến điều đó, xã hội không thể không có hoạt động phản biện, phản biện để xây dựng. Thiết nghĩ đấy mới là đóng góp lớn nhất từ cuốn sách này của TS. Phạm Minh Trí.