Cuốn sách Quốc hội Việt Nam – Tổ chức, hoạt động và đổi mới (Sách chuyên khảo) của tác giả PGS, TS. Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội , đại biểu Quốc hội khóa X, XI. XII được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 65 năm Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2010) và tiến tới kỷ niệm 65 năm Quốc hội ta (1946-2011).
Quốc hội Việt Nam ra đời là kết quả thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội đầu tiên (06-01-1946). Từ đó đến nay tổ chức và hoạt động của Quốc hội không ngừng được đổi mới và kiện toàn nhằm thực hiện tốt chức năng Hiến định: lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung của cuốn sách gồm ba chương:
Chương I: Tổ chức Quốc hội. Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước, được lập ra bằng hình thức tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp; Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; Xây dựng và phát triển bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa; Giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội được tiến hành theo định hướng của Đảng.
Chương II: Hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội luôn là yêu cầu khách quan. Đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, từng khâu, từng bộ phận; có cơ chế chính sách phân công, phối hợp cụ thể rõ ràng…
Chương III: Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là người được bầu ra để thay mặt nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; là người chịu trách nhiệm trước cử tri vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nâng cao địa vị pháp lý và tăng cường năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội là yêu cầu quan trọng và thường xuyên của đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Sách gồm 336 trang, giá 47.000 đồng