Lê-nin viết: chủ nghĩa Mác đã ra đời ở nước Nga trong đau thương. Chủ nghĩa Mác đã ra đời ở nước ta như thế nào? Cách đây vừa tròn một nửa thế kỷ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, chỉ sau ít tháng trở về bên cạnh Tổ quốc Việt Nam, tại Quảng Châu, với niềm tin và vui mà ít ai trên đời này thông cảm hết, đã ghi lại trong tài liệu lịch sử ký tên Người đề ngày 19-2-1925: “Tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên”, trong đó “có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản..., 2 đoàn viên dự bị của Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin”(1). Đây là cái mầm đầu tiên của tổ chức cộng sản Việt Nam. Xin phép tạm lấy ngày tháng còn ghi trong tài liệu đó để tính mốc khởi điểm cho sự diệu kỳ: nhân tố của mọi nhân tố thắng lợi đã bén rễ tươi rói vào dân tộc và quê hương.
(1) Thư báo cáo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản ngày 19-2-1925.
19-2-1925 — 3-2-1930
Cả một thời kỳ thai nghén, mang nặng, đẻ đau, đã quyết định tính chất và vai trò của Đảng, hướng đi lên chính xác của đất nước, cái kiên và cái cường của phong trào, độ vững và sức bật của dân tộc và mỗi con người. Lúc này đây, đang có một sự khao khát trở về nguồn để bồi dưỡng cho mình sức mạnh đi tới, khi đến lượt chúng ta đây vươn cao lên để giải quyết tổng hợp những nhiệm vụ nặng nề và rộng lớn của thời kỳ mới, trực tiếp thực hiện những điều mơ ước - vì nó mà sống và chết - của những người cộng sản Việt Nam thuộc lớp đầu tiên.
Xin kể chuyện đơn sơ về thời dựng Đảng, một phác thảo với những tư liệu gần như để nguyên chất mộc. Người viết không dám làm văn và càng không phải là làm sử. Dựa vào những điều mà khoa học lịch sử Đảng đã nghiên cứu được, lại được sự chỉ đạo và giúp đỡ đầy tinh thần trách nhiệm của một số đồng chí cách mạng lão thành, trong điều kiện năng lực và thời giờ có hạn, tập hợp, đối chiếu và rút lại những nguồn tư liệu từ nhiều phía khác nhau, với tinh thần của tin yêu và khám phá, chỉ xin thử sống lại những sự kiện lớn và nhỏ của một thời cần nhớ lắm. Sống với giác quan của người phóng viên, bị hấp dẫn trước hết bởi cái thật, cái ý nghĩa, cái cụ thể; vừa bị cuốn hút theo, vừa cố gắng bắt mạch nó, cái bước chân đi thật khỏe của lịch sử. Năm năm vĩ đại, 5 năm chuyển thế nước để Đảng ra đời. Cách mạng Việt Nam trải qua một thời kỳ mà bất cứ cuộc cách mạng nước nào cũng phải làm như thế: lấy thế giới quan của giai cấp vô sản làm công cụ quan sát vận mệnh nước nhà, suy nghĩ lại những vấn đề của mình. Dưới ánh bình minh của chủ nghĩa mới, một giai cấp xốc tới soi hồn nước, chuyển thế nước và xoay vận nước. Giai cấp công nhân Việt Nam ta đó, rất non trẻ về tuổi, nhưng tràn đầy dũng khí sáng tạo, và, đối với nguyên lý Mác - Lê-nin, quả là có một sự giác ngộ thần đồng.
Như đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định Đảng ta là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ XX, ngay từ đầu, Đảng ta đã mang trong mình bản chất cách mạng và khoa học là hai thuộc tính căn bản nhất của một Đảng Mác - Lê-nin. Bản chất đó ngày càng phát triển cùng với cuộc sống chiến đấu sôi nổi, phong phú và không ngừng đi lên của giai cấp công nhân và dân tộc ta được thể hiện cụ thể và sinh động trong mỗi chặng đường cách mạng. Lịch sử xanh tươi cụ thể và sinh động, tự nó toát lên tinh thần đó.
Đội tiên phong của giai cấp chúng ta đâu có sinh ra trong nôi ấm, giường êm. Ngay từ những ngày trứng nước, Đảng đã nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử. Nhưng sao mà cảm thấy một cái gì náo nức như mở hội trong đời. Chủ nghĩa cộng sản vốn là thanh xuân. Càng thanh xuân bởi vì năm 1925, Bác của chúng ta mới 35 tuổi; phần lớn tuyệt đối trong 211 người cộng sản đầu tiên(1) đều mới bước vào tuổi đôi mươi, mười bảy. Tuổi “nghe nói đến cách mạng là muốn nhảy, muốn bay” như đồng chí Lê Duẩn đã tâm sự với thanh niên ta lúc bắt đầu đánh Mỹ. Những khuôn mặt 1925 - 1930 mà chúng ta đã từng được hiểu qua từng gương chiến đấu cá nhân, càng ánh lên nét tinh thần mới, gắn bó với tập thể, với tổ chức, với phong trào, trước khúc rẽ của lịch sử. Với độ sáng tinh thần trong suốt, đội cận vệ già của chúng ta, ngày ấy, vượt qua mọi hạn chế của lịch sử, trong đấu tranh gan góc, đã tiêu biểu cho một kiểu người Việt Nam trẻ mới nhất. Họ chinh phục bằng cái đúng và cái mới của trí tuệ họ, bằng cả cái đẹp của tâm hồn họ. Càng muốn hút lòng ta ánh nước trong nguồn từ cái thuở bình minh trong như lọc ấy, khi dòng sông giờ đây đã cuồn cuộn khỏe, băng núi bang rừng, chở nặng phù sa, chảy qua bến bờ làm xanh tươi cuộc sống, tránh sao khỏi có khúc nổi lên váng đục, củi mục trôi và rác rưởi. Tấm lòng “vô sản”, như thời bấy giờ hay nói, là sống “mình vì mọi người” cao nhất. Nhưng, cộng sản không phải chỉ có tấm lòng. Đối với lớp người vạch đường lối, dựng tổ chức và nhen phong trào, cộng sản là ở cái đầu trước hết...