Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 – 20-8-2008), 63 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2008) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 – 2-9-2008), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phối hợp với Bảo tàng Tôn Đức Thắng xuất bản cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930.
Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 tại làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Với 92 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, 17 năm bị thực dân, đế quốc giam cầm, tù đày, đã giữ nhiều trọng trách trong Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước ta. Ở cương vị nào Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng cống hiến hết mình cho Đảng, cho nhân dân, cho dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, giai đoạn 1906-1930 là một giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thể hiện vai trò to lớn của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân dân Sài Gòn trong 30 năm đầu thế kỷ XX và phong trào đấu tranh của cách mạng Việt Nam sau này.
Vai trò và công lao lớn nhất của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn chính là đã sáng lập ra tổ chức Công hội nhằm tập hợp, đoàn kết công nhân để từng bước nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giúp đội ngũ công nhân ngày một trưởng thành và trở thành những người cộng sản chân chính. Tôn Đức Thắng thuộc lớp người đầu tiên tiếp thu và tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân Việt Nam và là người đã tham gia tích cực trong việc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những sự kiện như cuộc bãi công của công nhân Ba Son và học sinh trường Bá Nghệ năm 1912, sự kiện kéo cờ phản chiến trên Biển Đen, cuộc bãi công của công nhân Ba Son tháng 8-1925… là những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời hoạt động của Tôn Đức Thắng.
Vừa là người sáng lập Công hội, vừa là người lãnh đạo và tổ chức đấu tranh, Tôn Đức Thắng thực sự là linh hồn của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức cách mạng đầu tiên của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn. Nếu Công hội bí mật do Tôn Đức Thắng sáng lập là một sáng tạo lịch sử trong phong trào công nhân, thì ngược lại, chính phong trào công nhân là cơ sở, là nền tảng để tạo nên tầm vóc một lãnh tụ Tôn Đức Thắng, vừa là kiến trúc sư lỗi lạc vừa là niềm tự hào của phong trào công nhân Sài Gòn cũng như của giai cấp công nhân cả nước.
Cuộc đời cách mạng của Tôn Đức Thắng có nhiều hoạt động mang ý nghĩa mở đầu. Trong nhiều công việc, ông là người đầu tiên hoặc một trong những người đầu tiên thực hiện. Sự kiện sáng lập tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam - Công hội bí mật Sài Gòn - là một trong những ví dụ tiêu biểu. Điều đó không phải do ngẫu nhiên mà bắt nguồn từ chính phẩm chất cách mạng, năng lực, trí tuệ và nhãn quan chính trị của người chiến sĩ tiên phong Tôn Đức Thắng. Trong lời đề tựa cho một tác phẩm của GS. Trần Văn Giàu, Tôn Đức Thắng đã viết: Trước có giai cấp công nhân và công nhân đấu tranh, sau mới có tổ chức của giai cấp công nhân; tổ chức làm cho công nhân đấu tranh mạnh hơn nữa, và giai cấp công nhân trở thành trụ cột cho sự đoàn kết rộng rãi của dân tộc.
Sau gần 20 năm gắn bó với phong trào công nhân Sài Gòn, Tôn Đức Thắng trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam, của giai cấp công nhân Việt Nam và của toàn dân tộc. Tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Tôn Đức Thắng luôn là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét Tôn Đức Thắng “là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được giải thưởng hòa bình quốc tế Lênin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới. Cùng với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ở đồng chí Tôn Đức Thắng còn nổi bật lên lập trường vững vàng, chí khí cao cả, đức tính khiêm tốn, giản dị”. Nhân dân Việt Nam tự hào về Tôn Đức Thắng, thế giới cũng ngợi ca Tôn Đức Thắng. Khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, Đảng Cộng sản Pháp gửi điện cho Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có đoạn: “Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất đi, cách mạng Việt Nam mất một trong những nhân vật đáng kính và đáng yêu nhất. Đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người kiến tạo nước Việt Nam ngày nay. Chúng tôi càng xúc động vì cuộc đời của đồng chí đã gắn chặt với những thời điểm vinh quang nhất trong lịch sử của chúng tôi”.
Trong điều kiện đã có nhiều công trình, tác phẩm trong và ngoài nước nghiên cứu về Tôn Đức Thắng, nhưng những công trình nghiên cứu về những sự kiện, từng giai đoạn quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tôn Đức Thắng, đặc biệt là mối quan hệ giữa Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn còn chưa nhiều và chưa sâu, việc tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền đi sâu vào tìm hiểu, nghiên cứu tầm vóc, vai trò và đóng góp của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn trong 30 năm đầu thế kỷ XX là một công việc hết sức có ý nghĩa, cả về phương diện khoa học và thực tiễn. Cuốn sách cung cấp, tập hợp, bổ sung nhiều tài liệu quý liên quan đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phục dựng một cách khái quát tiến trình và đặc điểm của phong trào công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn trong những năm đầu thế kỷ XX, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cho giai cấp công nhân và thế hệ trẻ Việt Nam, thể hiện lòng kính trọng, sự cảm phục đối với những đóng góp to lớn của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của nhân dân Việt Nam và biểu tượng của đại đoàn kết toàn dân tộc.
GIAO LINH