Sau chiến tranh lạnh, trung tâm các vụ xung đột mang tầm cỡ thế giới đã chuyển về vùng Vịnh và vùng bán đảo Nam Á như Iraq, Israen, Palestin, Afghanistan, Pakistan v.v… Và chủ nghĩa khủng bố, trở thành mối nguy hiểm trên toàn thế giới, được bộc lộ hoàn toàn sau vụ đánh sập tòa tháp đôi - Trung tâm Thương mại Thế giới tại Mỹ vào ngày 11 tháng 09 năm 2001. Những diễn biến này, có thể tóm gọn, là xung đột giữa các thế lực Hồi giáo cực đoan và nổi bật là Al Qaeda với Phương Tây, đứng đầu là Mỹ.
Với danh nghĩa chống chủ nghĩa khủng bố, Mỹ và một số nước đồng minh kéo quân vào Afghanistan và Iraq để rồi sa lầy nhiều năm, tốn không biết bao nhiêu tiền của sinh mạng vẫn chưa tìm được lối thoát danh dự.
Tại sao vậy? Cuốn sách này của Benazir Bhutto, một nữ chính khách nổi tiếng vùng Nam Á và thế giới - vừa bị ám sát ngày 27 tháng 12 năm 2007 tại Pakistan, là một trong những kiến giải về những xung đột nói trên.
Qua cuốn sách, người đọc có thể tìm hiểu phần nào Hồi giáo là gì, tại sao xảy ra các cuộc xung đột ngay trong lòng Hồi giáo, tại sao Mỹ và Phương Tây vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố và trào lưu chống Phương Tây v.v…
Đây là cuốn sách có tính thời sự rất cao và bổ ích dùng để tham khảo về Hồi giáo, vùng Vịnh, Trung Đông và Nam Á…
Tác giả của cuốn sách này nguyên là Thủ tướng Pakistan, với những dòng cuối cùng được viết chỉ vài ngày trước khi bà bị ám sát. Cuốn sách là cách nhìn mới về cầu nối giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây.
Benazir Bhutto trở về Pakistan vào tháng 10 năm 2007, sau sáu năm sống lưu vong, với hy vọng mình sẽ là một nhân tố tạo ra sự thay đổi ở đất nước này. Mặc dù bà không được đón tiếp, và đã suýt chết trong một vụ đánh bom ám sát gây ra cái chết của gần 200 người, bà vẫn tiến lên, với lòng dũng cảm mạnh hơn bao giờ hết. Bởi vì bà biết một điều rằng bà không còn nhiều thời gian – cho tương lai của đất nước cũng như cho chính cuộc sống của bà.
Trong cuốn sách này, bà Bhutto điểm lại những giá trị của lòng khoan dung và công bằng, mà đó chính là cốt lõi của Hồi giáo.
Trong cuốn sách cô đọng và sâu sắc này, Bhutto đã khai thác lịch sử phức tạp giữa Trung Đông và phương Tây. Bà tìm đến nguồn gốc của khủng bố quốc tế trên thế giới, từ sự hỗ trợ của phương Tây cho Tướng Zia-ul-Haq của Pakistan, người đã phá hủy các chính đảng, loại bỏ hệ thống pháp lý độc lập, cô lập các NGOs, không bảo vệ quyền con người, và đặt các cơ quan tình báo của Pakistan hoạt động cùng với các phần tử cực đoan nhất của các nhóm Mujahideen Afghanistan.
Bà không chỉ nhắm tới phương Tây, mà còn nói với những người Hồi giáo trên toàn thế giới, những người đang ở ngã ba đường giữa quá khứ và tương lai, giữa giáo dục và quên lãng, giữa hoà bình và khủng bố, và giữa độc tài và dân chủ. Dân chủ và Hồi giáo vẫn có thể song hành cùng nhau, và sự va chạm giữa Hồi giáo và phương Tây không phải không thể tránh được. Bhutto đưa ra mô hình Hồi giáo hiện đại, bất chấp những bức tranh biếm họa tiêu cực thường thấy ở phương Tây. Sau khi đọc cuốn sách này, cả thế giới đều cảm nhận được sự mất mát khi bà bị ám sát.
“Đây là những phân tích mạnh mẽ và có nhiều chiều sâu về những thử thách lớn phải đối mặt của một người phụ nữ đặc biệt, người đã phải trả giá cao cho việc dám cố gắng đem lại dân chủ cho Pakistan. Tổng thống Kennedy nếu còn sống chắc sẽ gọi bà là "Một tấm lòng quả cảm". Tầm nhìn của bà về đạo Hồi trong thế giới hiện đại chính là chuẩn mực cho hòa bình, thịnh vượng, công bằng, và hòa giải. Đây thực sự là một đóng góp lớn giúp chúng ta hiểu hơn về những thử thách chúng ta đang đối mặt, và nó chỉ ra tại sao nước Mỹ phải điều chỉnh khi muốn đối thoại với thế giới Hồi giáo” – Thượng Nghị sĩ Edward M. Kennedy.
“Đây là một cuốn sách thú vị và quan trọng nhất trong thời của chúng ta. Đó là lời kể đầy sức mạnh của một người phụ nữ cực kỳ dũng cảm. Đó cũng là bản tuyên ngôn thử thách Hồi giáo cực đoan. Benazir Bhutto là một người phụ nữ rất mãnh liệt nhưng cũng rất duyên dáng với một sứ mệnh cực kỳ quan trọng. Cái chết của bà làm cho cuốn sách này trở nên thấm thía hơn, và cũng cần thiết hơn” (Walter Isaacson, Chủ tịch Viện Aspen).
“Không thể hiểu thế giới ngày nay nếu không hiểu Pakistan, và không thể hiểu Pakistan nếu không đọc cuốn sách này. Một người phụ nữ dũng cảm - bị ám sát một cách đáng buồn đã nói với chúng ta về hòa giải. Chúng ta mang nợ bà – và mang nợ chính chúng ta - cần phải nghe, hiểu và hành động” (Madeleine Albright).
"Pakistan là một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Hòa giải là câu chuyện của một người phụ nữ dũng cảm và cuộc đấu tranh của bà để đem lại dân chủ và hiện đại cho thế giới Hồi giáo. Benazir Bhutto, chứ không phải kẻ quá khích đã ám sát bà, mới là đại diện của đông đảo người Hồi giáo Pakistan, cuốn sách này nhắc nhở chúng ta đã mất những gì” (Peter W.Galbraith).
Mục lục:
Lời nhà xuất bản
Cùng độc giả
Đường về
Cuộc chiến trong lòng hồi giáo, dân chủ và độc tài - ôn hòa và cực đoan
Hồi giáo và dân chủ, lịch sử và thực hiện
Trường hợp Pakistan
Sự va chạm giữa các nền văn minh là điều không thể tránh khỏi
Hòa giải
Lời kết