Từ điển này tập hợp, giới thiệu và giải thích hầu hết những thuật ngữ cơ bản của triết học Kant, mang lại một bảng lược đồ về bộ khung khái niệm sẽ trở thành nền tảng của triết học cổ điển Đức. Thay vì giới thiệu một khái niệm như là yếu tố cố định có tính định đề như các từ điển trước đó, mỗi mục từ điểm lại lịch sử của vấn đề và cho thấy những phương thức để Kant đi đến chỗ xác định ý nghĩa của nó trong diễn trình suy tưởng.
Mỗi mục từ lại gắn liền với một danh sách những thuật ngữ có liên quan, tạo nên một mạng lưới, trong đó nó đạt được trọn vẹn các tầng nấc ý nghĩa. Khi thấy thích hợp, mục từ cũng xem xét số phận của khái niệm sau Kant, qua đó cho thấy vị trí then chốt của Kant giữa truyền thống và hiện đại, và lý do tại sao triết học Kant gây ảnh hưởng to lớn và hầu như không thể tát cạn lên nền văn hóa hiện đại
Là dịch phẩm của một tập thể yêu thích triết học, Từ Điển Triết Học Kant, cùng với loạt dịch phẩm tương tự sẽ ra mắt trong thời gian tới, là bước chuẩn bị cần thiết cho việc tiến tới biên soạn một Từ điển triết học Tây phương có tính tổng hợp và thông dụng.
Trích đoạn:
Đúng như soạn giả Howard Caygill, trong Lời tựa ngắn “Kant và ngôn ngữ triết học” đã nhận định: “Ảnh hưởng của triết học Kant đã và đang tiếp tục sâu rộng đến độ không dễ dàng nhận ra được. Việc nghiên cứu triết học trong truyền thống “phân tích” của khu vực Anh Mỹ lẫn trong truyền thống “lục địa” Âu châu là không thể hình dung được nếu không thừa hưởng nguồn thuật ngữ và khái niệm do Kant để lại. Ngay cả bên ngoài triết học, trong các ngành khoa học nhân văn, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, các khái niệm và cấu trúc lập luận của triết học Kant hiện diện khắp nơi. Bất kỳ nỗ lực thực hành phê phán nào về văn học hay xã hội đều là một đóng góp cho truyền thống Kant; bất kỳ ai phản tỉnh về những nội hàm nhận thức luận hay khoa học luận của công trình của chính mình đều thấy mình đang làm việc bên trong những thông số mà Kant đã xác lập. Thật thế, nhiều cuộc tranh luận hiện nay, dù trong mỹ học, lý thuyết văn học hoặc lý thuyết chính trị, cho thấy rõ xu hướng độc đáo là lập tức chuyển thành cuộc tranh luận trong việc lý giải Kant. Nhìn chung lại, hai trăm năm sau ngày mất của tác giả, triết học Kant đã tự khẳng định như là một điểm tựa không thể thiếu được trong việc định hướng về tinh thần”. Bên cạnh ảnh hưởng sâu rộng ấy, không ai có thể nghi ngờ cống hiến lịch sử của Kant trong việc “san định” và hiện đại hóa thuật ngữ triết học. Trước hết, Kant đã tiếp thu có phê phán và phát triển hệ thuật ngữ “cổ điển” từ cổ đại đến trung đại, minh định rành mạch ý nghĩa, nhất là mang lại sức sống mới cho chúng qua quá trình tư duy triết học bền bỉ và đầy sáng tạo của chính mình, chứ không làm cho các thuật ngữ trở nên xơ cứng, cằn cỗi và võ đoán như nơi một nhà “từ điển học” đơn thuần. Thứ hai, Kant tiếp tục triển khai nỗ lực đẩy dũng cảm của triết gia tiền bối Christian Wolff là phiên dịch có hệ thống kho tàng thuật ngữ triết học từ tiếng Latinh sang tiếng Đức bản địa. Công việc này không chỉ góp phần quyết định vào sự hình thành ngôn ngữ triết học Đức, đặt nền móng vững chãi cho sự phát triển rực rỡ của triết học Đức từ nửa sau thế kỷ XVIII cho đến ngày nay, mà còn giúp tăng cường lòng tự tin vào khả năng truyền bá và “bản địa hóa” thuật ngữ và ngôn ngữ triết học nơi mọi quốc gia khác. Kant đã minh chứng hùng hồn rằng không một ngôn ngữ nào - kể cả tiếng Đức “quê mùa” của thời ông - phải vĩnh viễn cam chịu số phận “nôm na mách qué”! Thứ ba, Kant đã mạnh dạn tiếp cận những lĩnh vực kinh nghiệm vốn bị loại trừ ra khỏi triết học trước đó. “Kant đã tái phát hiện ngôn ngữ triết học bằng cách du nhập những thuật ngữ và khái niệm mới mẻ từ bên ngoài triết học, cũng như tự giác tái định nghĩa rất nhiều những thuật ngữ và khái niệm truyền thống. Ma trận của những biến đổi về ngữ học và khái niệm này bắt nguồn từ các bài giảng của ông trong suốt bốn mươi năm về hàng loạt chủ đề khác nhau. Trong các bài giảng của mình, Kant minh giải những khái niệm triết học truyền thống đã định hình trong các sách giáo khoa chính thức bằng những chất liệu rút ra từ khoa học tự nhiên đương thời, từ báo chí, tiểu thuyết, thi ca, cũng như từ các sách y học và du ký”. Điều này cho thấy Kant thực sự đã mở đầu cho tinh thần giao thoa giữa triết học và đời sống, chấp nhận tính mạo hiểm trong những thử nghiệm tư duy, kể cả những khái niệm còn chao đảo, để mở rộng những chân trời suy tưởng, một truyền thống sẽ được các thế hệ sau tiếp bước, từ Hegel, Nietzsche, Husserl, Heidegger, Wittgenstein cho đến Deleuze, Derrida, Foucault...