"TÔI TÌM KIẾM CÔ ĐƠN vì trong đó có cuộc sống trọn vẹn cho tinh thần, cho tâm hồn và cho thể xác. Tôi tìm thấy những cánh đồng bất tận, nơi an nghỉ ánh sáng của mặt trời, nơi các đóa hoa tỏa hương vào không gian và là nơi các dòng suối hát ca trên đường ra biển cả. Tôi khám phá các ngọn núi, ở đó tôi tìm thấy cơn thức giấc tươi mát của mùa xuân, lòng khao khát đầy màu sắc của mùa hạ, các bài ca dư dật của mùa thu, và bí nhiệm đẹp tuyệt trần của mùa đông. Tôi tới góc xa khuất trong vùng đất này của Thượng đế vì tôi khao khát học biết những bí ẩn của Vũ trụ và tiến đến gần ngai của Thượng đế."
Kahlil Gibran đã đặt những lời ấy lên miệng của nhân vật ẩn cư trong Cơn bão, câu truyện thứ nhất của 23 tiểu phẩm làm thành cuốn Bí ẩn trái tim này. Trong cuộc đời, con người lâm vào nghịch cảnh. Một đằng, nó là sinh vật xã hội, không thể sống sót nếu chỉ dựa vào mình. Đằng khác, nó chỉ thật sự làm người khi có những khoảnh khắc cô đơn để sâu lắng nhìn lại bản thân và chiêm nghiệm cuộc đời. Cô đơn trong trường hợp này không phải hiu hắt quạnh quẽ đầy phiền muộn mà là dồi dào khí lực, một trạng thái thiết yếu để thấy rõ những ẩn mật trong tâm tư mình, để là mình và cũng là để tích nạp khí lực tinh thần.
Bí ẩn trái tim với chủ đề nặng phần tâm linh diễn ra trên hai bối cảnh. Một là Li-băng (Lebanon) vào đầu thế kỷ 20, lúc còn là một mảnh đất của tỉnh Syria, thuộc quyền kiểm soát của Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ bạo liệt. Giáo hội Kitô giáo Maronite, dù đã gia nhập Công giáo La Mã và tuy là thiểu số giữa một đại dương Hồi giáo và đạo Druze, vẫn chiếm đa số dân chúng Li-băng, dặc biệt ở Miền Bắc, tồn tại một cách vật vờ, thỏa hiệp. Trong tình trạng mông muội của dân chúng và vì muốn thuộc địa ổn định, chính quyền ngoại lai tìm cách câu kết với giới chức tôn giáo để rồi đôi bên trở thành loại công cụ chính trị phục vụ cho đặc quyền đặc lợi của một số người. Bối cảnh ấy làm sâu sắc thêm những cáo giác thế tục và lời cầu nguyện siêu nhiên của nhân vật chính trong Gã Giuhanna khùng.
Bối cảnh thứ hai là Hoa Kỳ như một miền đất cung ứng những tự do căn bản cho người di dân. Trên vùng đất đó, Gibran nghĩ về quê nhà Li-băng đang sống trong câu thúc, nghèo đói và chiến tranh. Với tâm tình sôi sục của một người ái quốc và chan chứa lòng nhân ái, ông bày tỏ tình yêu quê hương tha thiết tới độ hầu như mắng mỏ dân tộc mình, đồng thời than vãn về sự bất lực của người xa xứ.
Phần cuối hợp tuyển này có hai tuyệt phẩm. Một là Đám rước được chúng tôi đề cập cách riêng trong cuốn Định mệnh thi sĩ và Đám rước, nhưng lần này, trường thi ấy được sắp đặt theo thể văn xuôi, có tính "tân hình thức". Hai là Iram, Thành đô cột cao ngất. Đây là vở kịch đặc sắc nhất trong thập niên 1920 của Gibran, nói về một kinh thành trí tưởng mà mỗi người chỉ có thể tìm thấy nó khi làm hành giả cô đơn, đi vào lòng mình để phát hiện nó trong tâm linh phong phú và tinh thần hòa đồng tôn giáo của mình.
Các tiểu phẩm trong Bí ẩn trái tim được Gibran viết bằng tiếng A Rập nhiều năm trước cuốn Ngôn sứ (The Prophet - Kẻ tiên tri) nhưng chúng hiển thị tâm điểm Đông phương bí nhiệm trong động thái sứ ngôn của tác giả. Chúng báo trước một Gibran sẽ trở thành bất tử với tâm linh phong phú, tâm tư năng động và kiến thị minh bạch, được diễn tả bằng một văn phong cực kỳ cuốn hút.
Với tính cách tự sự, chúng cho thấy tầm am hiểu khách quan và phổ quát của Gibran, xác tín của ông về các giá trị bất biến của cái đẹp, chân lý, tình yêu và Thượng đế hằng cửu. Ông cảnh báo nếu mỗi người không sống với những nỗ lực xiển dương bên trong mình thiêng liêng tính, hay như ông còn nói là thượng đế tính, loài người sẽ sa dần vào bóng tối của một nền văn minh thiếu nhân tính, đánh đồng tác nhân với nạn nhân và hoang mang giữa các giá trị, v.v.
Về khía cạnh tôn giáo, những phát biểu tâm linh của Gibran bộc lộ cái nhìn thấu suốt đại đồng về tín ngưỡng, con tim nồng cháy, quyết tâm tận hiến để thăm dò và tra vấn tới nơi tới chốn, cho đến khi vỡ vụn cái tôi bên ngoài và thị hiện nội ngã. Và sống đời mộ đạo là phụng vụ nơi đền thờ đặt giữa tâm hồn mình, ngay trong chính thể xác của mình.
Bản Việt ngữ của Bí ẩn trái tim được chuyển từ bản tiếng Anh Secrets of the Heart do Anthony R. Ferris tuyển dịch từ tiếng A Rập, Martin L. Wolf biên tập, và nhà Citadel Press ở Hoa Kỳ xuất bản năm 1975.
N.Ư.