CHUYỆN KỂ RẰNG Thiền tông Lục tổ Huệ Năng, lúc nửa đêm, khi nghe giảng kinh Kim Cương đến câu Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, ngài hốt nhiên đại ngộ. Hiểu đơn giản câu ấy có nghĩa là “Đừng để tâm vướng víu nơi nào”. Krishnamurti, người từ khước địa vị Giáo chủ Thông thiên học cũng bảo khi bạn chọn cho cuộc sống của mình một tâm điểm thì từ đó bạn không thể nào được giải thoát vì phạm vi hoạt động bị giới hạn bên trong chu vi xoay quanh trục ấy. Phải chăng khi chọn nhan đề The Wanderer (Người lang thang) cho cuốn này - mà chúng tôi chuyển dịch là Chuyện người phiêu lãng - Kahlil Gibran, họa sĩ thi sĩ tâm linh và triết gia người gốc Li-băng hẳn cũng có ngụ ý đó?
Thực tế, trong mỗi con người chúng ta đều tiềm ẩn một kẻ phiêu lãng. Bạn và tôi muốn lang thang khi thấy tâm hồn lâng lâng khinh khoái hay nặng trĩu ưu phiền. Người lang thang hay kẻ phiêu lãng ấy chẳng phải tên bơ vơ không cửa không nhà, nhưng là du tử mang nội ngã đi từ không gian này tới không gian nọ, cảnh giới này sang cảnh giới kia để tận hưởng niềm vui làm người hay thoát khỏi nỗi buồn khi thưởng ngoạn cảnh đời, để chiêm ngắm chân lý và nhìn thấu suốt bản lai diện mục - con người chân như nguyên thủy của mình.
Người lang thang trong Chuyện người phiêu lãng chợt dừng chân làm khách một đêm bên lò sưởi ấm tình người và kể lại những nếm trải của mình với 52 câu truyện. Bạn cũng có thể bảo đó là 52 dụ ngôn của Gibran, nhằm đánh động tâm hồn, khêu gợi các am hiểu tiên nghiệm trong tâm thức bạn, để từ đó bạn tự mình rút ra kết luận, làm sáng lên chân lý trong từng chủ đề.
Hi vọng trong đời mình, bạn có rất nhiều lần lang thang và có rất nhiều dịp chuyện trò với một người phiêu lãng nào đó, thí dụ nhân vật lăn trầm như đá trong một khúc hát của Trịnh Công Sơn. “Người đi phiêu du từ đó không thấy về quê nhà...” Vì quê nhà miên viễn nằm đâu đó trong tâm thức của kẻ không để tâm vướng víu nơi nào, kẻ thức ngộ sống tự nhiên như nhất với Chân Thiện Mỹ.
Và thật không ngạc nhiên khi Chuyện người phiêu lãng cùng với các tác phẩm khác đã đem tới lời nhận xét sau đây của Cleveland News về Gibran.
“Đây là một nhân cách mãnh liệt, lương thiện, đầy óc tưởng tượng với sự dũng cảm tâm linh đánh thức mối quan tâm vào chân giá trị của cuộc đời. Cay đắng, phiền muộn, phúng thích, hân hoan, tôn kính và khiêm cung, tất cả cùng nhau làm nên nhà thơ phương Đông này.”
Về mặt lịch sử, cuốn Chuyện người phiêu lãng (The Wanderer) là di cảo của Gibran. Nó được xuất bản năm 1932, một năm sau ngày Gibran qua đời. Một tháng trước khi mất, ông trao bản thảo cho Mary Haskell, nữ ân nhân và hồng nhan tri kỷ của ông, để biên tập như thường lệ. Thế nhưng Barbara Young, người bạn ghi chép suốt sáu năm cuối đời ông, kẻ cực kỳ kính ngưỡng tới độ thần thánh hóa ông, và về sau là tác giả viết tiểu sử ông, lại cho xuất bản nó không một chút biên tập vì bà cho rằng các con chữ trong Chuyện người phiêu lãng, qua tâm trí và bàn tay của Gibran, đã được “chúc lành và đầy ân sủng."
N.Ư.