Khi những vị khác nhau không còn đối chọi nhau nữa mà hợp thành sự trọn vẹn, chính lúc đó cái hay của cái nhạt là làm ta tiếp cận được cái nền của sự vật không còn gì khác biệt, bản chất trung hoà của cái nhạt nói lên rằng nó có khả năng thâm nhập vào trung tâm. Vào lúc này cái thực không còn bị "kìm hãm" trong những biểu hiện riêng lẻ quá lộ liễu nữa; cái gì cụ thể trở thành khó nắm bắt hơn, nó sẵn sàng chịu mọi biến hoá.
Cái nhạt của sự vật tạo nên sự dửng dưng trong lòng. Nhưng nó lại là một phẩm chất đặc biệt quan trọng trong quan hệ của ta với người khác, bởi lẽ nó bảo đảm cho tính chân thực; nó cũng phải làm nền tảng cho nhân cách chúng ta, bời vi chỉ mình nó đủ cho phép ta tiếp thu mọi năng lực và mỗi khi gặp dịp thi thố thì thấy năng lực được thể hiện như thế nào.
Tất cả những trào lưu tư tưởng Trung Hoa: Nho, Phật, Lão gặp nhau và đồng tình với nhau trên tính chất phổ quát đó của cái nhạt. Những trào lưu này không có ý nghiên cứu cái nhạt để nâng thành lý thuyết trừu tượng, ngược lại cũng chẳng xem nó như cái gì huyền bí khó tả. Nhưng chính các nền nghệ thuật Trung Hoa: hội họa, âm nhạc và thơ, thông qua những tìm tòi phong phú và đầy tính ẩn dụ, luôn đề cập đến cái nhạt.
Khi ta đi đến tận cùng của cảm xúc, nơi mà cảm xúc tan biến không còn dấu vết, cái nhạt sẽ cho ta cảm nhận được "phía bên kia". Tuy vậy cái quá giang này không làm ta đi vào một thế giới khác theo qui chế siêu hình tách khỏi cảm xúc. Cái quá giang này chỉ mở rộng thế giới hiện hữu, được gạn hết mọi thứ tù mù, một thế giới trở lại thuần ảo, luôn luôn sẵn sàng cho người ta thưởng ngoạn.