Sách đã được viết theo một số tiêu chí nhất định. Trong cách trình bày mỗi một lãnh vực hay bình diện của nền văn hoá Trung Hoa, mối liên hệ lịch sử luôn được tôn trọng và được sử dụng làm nền móng cho nội dung trình bày, nhưng mối liên hệ lịch sử này sẽ không được đề cập riêng rẽ chi tiết: mục đích là nhằm tạo điều kiện cho việc khai triển tối đa những mắc xích lập luận lô-gích, đồng thời cũng nhằm gạn lọc tối đa những trình bày về Trung Hoa học (những tham chiếu ngữ cảnh văn bản được chỉ ra qua những phụ chú) nhằm làm cho sách dễ đọc đối với độc giả không chuyên sâu. Cũng vì lý do đó, những đối chiếu so sánh không được trình bày song song ngay từ đầu mà lại được sử dụng như những mốc và dấu chỉ ra sự khác biệt (giữa hai loại tư duy Trung Quốc và phương Tây), xem như là những giả thuyết cho phần kết luận: lề lối quan niệm tư duy Trung Hoa do đó lại càng có ý nghĩa hơn, mặc dù hai phần trình bày cho mỗi truyền thống tư tưởng là không bằng nhau (về nguyên tắc, chúng ta xem những gì liên quan đến Trung Hoa là cái cần phải khám phá, trong khi đó những gì liên quan đến nền triết học phương Tây thì được xem như đã quá quen thuộc và có thể chỉ cần gợi ý mà thôi).
Vào quãng giữa cuốn sách, độc giả sẽ được giới thiệu một số tranh ảnh, có mục đích là giúp cho những độc giả chưa quen thuộc có thể cảm nhận chiều kích thẩm mỹ của cái được người Trung Hoa gọi là thế. Cuối sách, có phần liệt kê một số thành ngữ Trung Hoa, sẽ cho phép độc giả nghiên cứu chuyên sâu về văn hoá Trung Hoa có thể xem xét lại ngay trên văn bản một số trường hợp điển hình của chữ thế.
Sách không có phần tra cứu theo trang là do chủ ý của tác giả. Vì tác giả mong muốn dành ưu tiên cho cái thích thú của người đọc khi dấn mình lần bước theo một dòng tư tưỏng.