Quyển Nhân học tản mặc thô thiển này chuyên bàn về việc làm thế nào để làm một con người "đúng tiêu chuẩn". Ở Trung Quốc mấy ngàn năm trước, con người đã tự xưng là tinh anh của muôn loài, phương Tây cũng có thuyết gọi con người là thước đo của muôn vật. Thật vậy, trên địa cầu này, có lẽ con người là sinh vật diệu kì nhất, thông minh nhất, khác xa các loài vật khác. Thí dụ: con người có năng lực khám phá bí ẩn của tất cả sự vật, nghiên cứu, tìm ra quy luật của chúng để phục vụ chính mình. Cái gọi là "trên đến trời xanh, dưới tận suối vàng" tất cả mọi thứ, lớn như sự vận hành của các vì sao, nhỏ như tổ hợp các hạt đều đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ chóng mặt đã tạo ra nền văn minh vật chất xán lạn. Nhưng mặt khác, cách xử lí của con người trong việc khống chế tình cảm, tâm lí, hình thể của chính mình và mối quan hệ giao tế giữa người với người (gồm người thân, bạn bè, xã hội, quốc gia và quốc tế) lại lộ rõ sự vụng về. Từ lịch sử và thực tế trước mắt, giữa con người với nhau luôn khó có thể hài hòa đến thế, chuyện nhỏ thì anh lường tôi gạt, ngấm ngầm hoặc công khai đấu đá nhau, chuyện lớn thì xương trắng ngàn dặm, núi thây biển máu, nhất là hai cuộc đại thế chiến gần trăm năm trước, số người tử thương cả hai bên đã lên đến số ức vạn, chẳng khác gì thảm cảnh một cuộc tự sát khổng lồ của nhân loại, động cơ đều là lợi mình hại người. Kết quả luôn khó thoát khỏi quy luật "gieo nhân nào gặt quả ấy". "Tinh anh" của muôn loài và "thước đo" của vạn vật đã đi đâu mất rồi?
Xin trân trọng giới thiệu!