Trong cuốn sách này, tiến sĩ Wayne W. Dyer đã tham khảo hàng trăm bản dịch về "Đạo Đức Kinh" và đã viết ra 81 bài tiểu luận về cách để áp dụng những câu châm ngôn của Lão Tử vào trong thế giới hiện đại ngày nay. Cuốn sách này chứa toàn bộ 81 vần thơ của đạo Lão, được Wayne đúc kết và biên soạn sau khi xem qua 12 bản dịch đáng tin cậy đã tồn tại hơn 25 thế kỷ.
Wayne đã dành một năm để đọc, nghiên cứu và suy ngẫm về các thông điệp của Lão Tử, thực hiện các thông điệp đó mỗi ngày và cuối cùng viết ra vì ông cảm nhận được rằng Lão Tử muốn bạn biết rõ hơn về các thông điệp này.
“Không thay đổi thì không thể tiến bộ, những người không thay đổi đầu óc thì không thay đổi được gì”
Cuốn sách là cả quá trình nghiên cứu, suy ngẫm và áp dụng "Đạo Đức Kinh", một quyển sách về sự khôn ngoan từng được dịch ra nhiều hơn bất cứ quyển nào trên thế giới, trước Kinh Thánh. Nhiều học giả xem bộ sách kinh điển của Trung Quốc này là bản trình bày cao nhất về bản chất của tự nhiên và là một nguồn tham khảo giá trị trên bước đường đi tìm một lối sống viên mãn, hạnh phúc, yên bình và cân bằng.
Truyền thuyết kể rằng tác giả của "Đạo Đức Kinh" là Lão Tử, một tiên tri từng là người coi sổ sách của hoàng đế tại thành cổ Lạc Dương. Chứng kiến thời kỳ Chiến quốc suy vi triền miên, Lão Tử quyết định đi về miền tây hướng vào sa mạc. Ở đèo Hàm Cốc, Doãn Hỷ, một người canh cổng thành, biết Lão Tử nổi danh là bậc hiền triết đã xin ông ghi lại những lời dạy tinh hoa. Thế là "Đạo Đức Kinh" ra đời với nguyên bản là 5.000 chữ Hán.
Một trong nhiều điều hay của "Đạo Đức Kinh" là ưu điểm khai sáng tâm trí của nó, đặc biệt là ở cách Lão Tử lấy sự châm biếm và nghịch lý ra giúp bạn nhìn đời. Nếu bạn cảm thấy sống mạnh mẽ là phản ứng thích đáng thì Lão Tử lại thúc bạn hãy sống bé mọn. Nếu giả như phải dùng đến hành động thì ông bảo chúng ta hãy nghĩ đến không hành động. Nếu bạn cảm thấy nắm chặt tay sẽ cho bạn có được cái bạn cần hay bạn muốn thì ông khuyên bạn hãy buông bỏ và nhẫn nại.
Vậy cái gọi là “Đạo” thật ra là gì? Như câu thơ đã nói, gọi tên nó ra là làm mất nó, nên điều tốt nhất có thể đưa ra là thế này: Đạo là hiện thực tuyệt đỉnh, là một nguồn lan toả toàn bộ mọi sự. Đạo không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm tận cùng, Đạo không làm gì cả nhưng lại lan tỏa sức sống lên mọi sự trong thế giới của hình thức và ranh giới mà ta vẫn gọi là “Thế giới vạn vật”.
Nhưng các bài học và chân lý của Đạo phải được cá nhân phát hiện và vận dụng. Với cách đó, nó có thể đưa bạn đến với những điều kỳ diệu lớn lao về sự tồn tại của chính bạn – vâng, bạn đang hành Đạo. Đến từ không tồn tại, rồi tồn tại lại quay về không tồn tại. Cho nên để có được niềm vui và lợi ích nhiều nhất, hãy biến việc đọc quyền sách này thành một hành trình cá nhân. Trước hết đọc kỹ một trong các đoạn của Đạo Đức Kinh và tiểu luận đi theo nó. Sau đó để ra ít thời gian vận dụng nó, thay đổi cách suy nghĩ mà hoàn cảnh đã tạo nên cho bạn rồi đặt một khái niệm cho các ý tưởng này. Cuối cùng biến câu thơ thành của cá nhân bạn qua việc viết, ghi lại, vẽ hay tự diễn đạt theo bất cứ cách nào bạn muốn. Rồi chuyển sang câu thơ sau với một nhịp độ hợp với bản tính của bạn.
Có lẽ điều cốt lõi nhất của "Đạo Đức Kinh" là học cách đắm mình trong sự đơn giản của những điều mà bạn đang được cổ văn thiêng liêng này mách bảo. Khi thực hành các ý tưởng của nó, bạn sẽ cảm nhận được nó sâu sắc đến mức nào – nhưng lúc đó bạn cũng sẽ lại thấy ngỡ ngàng trước sự giản dị và tự nhiên của nó. Lời khuyên của bậc hiền minh cổ đại này quá dễ vận dụng đến độ bạn không cần phải cố gồng mình làm cho nó phức tạp lên thêm. Điều này có thể được xác tín nếu đúng là bạn nghe và làm như lời dạy.
Cuốn sách này có thể được đọc một cách chậm rãi, mỗi ngày một thông điệp. Như Wayne đã nói: “Đây là cuốn sách sẽ thay đổi hoàn toàn cách bạn nhìn nhận cuộc đời của bạn và kết quả là bạn sẽ sống ở một thế giới mới đồng hành với tự nhiên.
Mục lục:
Lời đề từ
Sống với huyền diệu
Sống với đơn nhất độc lập
Sống hài lòng
Sống vô cùng tận
Sống không thiên vị
Sống sáng tạo
Sống Vượt khỏi cái tôi
Sống trong dòng chảy
Sống bé mọn
Sống hoà hợp
Sống bằng hư vô
Sống với niềm tin vững chắc Nội tâm
Sống với một tâm trí độc lập
Sống vượt khỏi hình thức
Sống không vội vã
Sống bất biến
Sống như một bậc Lãnh đạo Minh triết
...