"CHÚNG TA LÀ CÁI CHÚNG TA ĐANG LÀ, vì chính chúng ta làm nên cái chúng ta đang là," đó là câu nói của Jean-Paul Sartre (1905-1980), triết gia vô thần của chủ nghĩa hiện sinh. Trên cùng triền sóng triết lý ấy nhưng ở đầu mút đằng kia, ta nghe dội lại lời giảng của một triết gia khác, cũng là nhà hiện sinh chủ nghĩa nhưng hữu thần, đó là văn thi sĩ và họa sĩ tâm linh Kahlil Gibran (1883-1931), người gốc Li-băng.
Trước Sartre cả mấy chục năm, Gibran nói, "Chúng ta luôn luôn là kẻ tiền hô của chính mình, và chúng ta sẽ luôn luôn như vậy. Tất cả những gì chúng ta từng thu thập và sẽ thu thập chỉ là những hạt mầm cho những thửa ruộng chưa canh tác. Chúng ta là những thửa ruộng ấy, là người canh tác, người thu thập và là những gì được thu thập."
Như thế, vô thần hay hữu thần chỉ là sự chọn lựa góc đứng khi nhìn vào một thực tại duy nhất vì đối với kẻ muốn thăng hoa con người, nơi gặp gỡ của hai câu nói cánh tả và cánh hữu ấy là điểm trở lại minh triết hơn hai ngàn năm trước, được ghi trên cửa đền Delphi ở Anthens, Hi Lạp: "Ngươi ơi, hãy tự biết mình."
Con người là kẻ tiền hô, kẻ làm thành, kẻ báo trước chính nó. Bạn từng ra sao thì bạn đang là như thế; bạn đang làm gì thì bạn sẽ trở nên như thế. Có thể bạn là một linh hồn luân hồi của chính bạn, nói như Ân giáo. Có thể bạn là nghiệp lực tái sinh qua nhiều kiếp, nói như Phật giáo. Có thể bạn chỉ sống một đời rồi trở về cõi hằng cửu như ghi nhận cho tới nay trong thần học của Kitô giáo và Hồi giáo, hay có đôi chút "dị giáo" như Gibran tin vào luân hồi nhưng chỉ dành cho những linh hồn thiết tha với cuộc sông được quay về tiếp tục tác nghiệp ngay điểm nó để lại dang dở. Dù tin có luân hồi hay không, cái làm nên ta chính là toàn bộ hành động của ta. Ta làm nên ta, không có số phận mù lòa nào làm nên ta như nhiều người thường đổ cho định mệnh. Và biết rõ ta - dù ta tiền căn hay ta hiện kiếp - là con người thế nào, tức là đã giải quyết đúng hướng và gần trọn vân đề ta đang gặp phải.
"Hãy tự biết mình", như đức vua trong câu truyện "Vua ẩn tu", là chủ đề chính của 24 dụ ngôn và thơ làm thành cuôn Tiếng vô thanh này, được dịch từ cuốn The Forerunner, His Parables and Poems (Kẻ tiền hô, dụ ngôn và thơ của hắn, 1920), tác phẩm thứ hai Gibran viết bằng tiếng Anh.
Cách duy nhất để tự biết mình, theo Gibran trong Tiếng vô thanh, là tự mình lau sạch chiếc gương linh hồn để soi lấy nó, như một đức vua khác trong ngày đăng quang. Hình ảnh chiếc gương gợi cho ta thây một quan điểm tu tập của hệ phái thần bí Sufi Hồi giáo: bạn không thể tự thấy mình qua phản ánh của người khác. Như thế, ta thấy rõ tại sao Gibran được xem là nơi hội tụ của các tôn giáo và triết học Đông Tây.
Tự soi lấy mình để thức ngộ, thoát khỏi vô minh, như một câu hát của Phạm Duy, "Và khi thức dậy, tôi tìm thấy tôi." Tỉnh thức và tìm thấy chỉ là một. Cái tôi tiền kiếp về đứng ngó hay cái tôi hiện kiếp đang ngồi đây cũng là một: nó là Kẻ tiền hô vô thanh của cái tôi bây giờ và cái tối mai sau. Và từ đó, ta làm hành giả như trong một câu hát khác, lần này của Trịnh Công Sơn: "Trời cao đất rộng một mình tôi đi; đời như vô tận, một mình tôi về với tôi."
N.Ư.