Trang Tử (hay còn gọi là Trang Châu) sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách gia chư tử. Ông là một nhà triết học, một tác gia lớn của Trung Hoa. Những tư tưởng của ông đã vượt xa tầm thời đại mà ông đã sống, không chỉ có sức ảnh hưởng đối với những người đương thời mà còn chạm đến được phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn của những kẻ hậu sinh.
Trang Tử đề cao thuyết “vô kỷ, vô công, vô danh”, có lẽ vì thế mà ngày nay, những gì người ta biết được về thân thế và cuộc đời của Trang Tử là rất ít. Tuy nhiên, chỉ với bộ sách Nam Hoa Kinh, Trang Tử đã được liệt vào hàng ngũ những tác gia lớn của thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Nam Hoa Kinh không chỉ là một tác phẩm triết học thuần túy - với nội dung kế thừa và phát triển các học thuyết về Đạo Đức và vô vi của Lão Tử - mà còn là một tác phẩm văn học thực thụ với những áng văn bay bổng, bút pháp tự nhiên, lời lẽ hào sảng, tư tưởng phóng khoáng nhưng không kém phần thâm sâu. Nhà văn Kim Thánh Thán đã xếp Nam Hoa Kinh vào bộ Lục tài tử thư - sáu tác phẩm ưu tú nhất của văn học Trung Quốc cổ đại.
Ngày nay, Trang Tử và Nam Hoa Kinh không chỉ được biết đến ở các nước Á Đông mà đã vươn xa đến với độc giả Âu Mỹ. Mặc dù văn phong của Trang Tử thâm sâu, còn nhiều điểm chưa được làm rõ nhưng có không ít học giả phương Tây đã dành hàng chục năm để nghiên cứu Nam Hoa Kinh, góp phần làm phong phú thêm học thuyết của Trang Tử.
Về tác giả:
Nguyễn Duy Cần, biệt hiệu là Thu Giang, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1907 tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, tỉnh Mỹ Tho. Ông là một học giả nổi tiếng Việt Nam vào khoảng những năm 50 -60 của thế kỷ trước. Sách của ông bao gồm các thể loại học làm nguời, nghệ thuật sống, chuyên khảo, bình luận.
Dù trải qua hàng thập kỷ, sách của Thu Giang vẫn giữ nguyên được giá trị và được bạn đọc đón nhận. Nhiều thanh niên thời đại mới, sinh vào những năm 80 - 90, vẫn yêu thích và tìm đọc trọn bộ những tác phẩm của ông. Những quan niệm nhân sinh mà ông đề ra cách đây hơn nửa thế kỷ như cách sống điềm đạm, đạo cương nhu, giữ gìn chân tánh, tinh thần trách nhiệm, độc lập, trung thực, phương pháp rèn luyện trí lực, học tập một cách khoa học... vẫn còn giá trị và hữu ích trong đời sống công nghiệp hiện đại ngày nay.