Suốt chiều dài lịch sử, con người được thấm nhuần nhiều nền triết lý khác nhau. Không khi nào nhân loại thiếu triết lý, bởi bao lâu còn con người thì bấy lâu còn triết lý. Triết lý có một chỗ đứng hết sức quan trọng trong đời sống con người. Nó đi sâu vào tâm thức con người đến độ điều khiển hoạt động của một con người, của một xã hội, của một thời đại và ảnh hưởng của nó có thể mang tính phổ quát trên toàn nhân loại, trong mọi thời đại.
Dù vậy, triết lý không phải là một cái gì chung chung, đại khái và mơ hồ mà trái lại nó mang tính cụ thể, đặc trưng khả dĩ đáp ứng khát vọng thiết yếu của con người trong không gian và thời gian.
Để có đáp án cho khắc khoải của con người về nguồn gốc huyền bí của vũ trụ, các triết gia thời Thượng Cổ, tiền Socrates, đã truy tầm về nguồn gốc của vũ trụ, ở đó họ tìm thấy những yếu tố là nguyên ủy của vũ trụ như: Nước, Lửa, Khí, sự Biến Dịch và Hữu Thể... Trong khi các triết gia thời hậu Socrates như: Platon, Aristote lại tập trung suy tư nhiều về vấn đề con người. Ngang qua phương châm nổi tiếng của Socrates: "Hỡi con người hãy tự biết mình!", các triết gia thời bấy giờ đã lôi kéo con người về với thực tại sống động của kiếp nhân sinh, nhằm thỏa mãn cho khao khát muốn biết: con người từ đâu mà tới? Con người sẽ đi về đâu? Cấu trúc thực sự của con người là gì?
Xin trân trọng giới thiệu!