Việc tái bản cuốn sách của tác giả Trịnh Văn Thảo Ba Thế Hệ Trí Thức Người Việt (1862-1954) 15 năm sau lần xuất bản đầu tiên, là rất cần thiết và hữu ích. Thực vậy, công việc nghiên cứu có nhiều bước tiến, khai thác nhiều nguồn tài liệu mới, đề cập nhiều vấn đề mới. Hiển nhiên, tác giả đã miệt mài với những nghiên cứu riêng của mình trong thời kì đó, và chắc chắn đã dồn tâm huyết sắp xếp chúng một cách tốt hơn để giới thiệu nên công trình này, trong khi vẫn giữ nội dung cơ bản của tác phẩm.
Công trình này bàn về ba thế hệ trí thức Việt Nam. Đây thực sự không những là sự đóng góp chủ yếu cho kho tàng kiến thức của Việt Nam, về lịch sử, về các mối quan hệ của đất nước với phương Tây, nhất là với nước Pháp, mà còn là sự hiểu biết sâu sắc những căn nguyên các quá trình vận động, tiến triển mà đất nước đã trải qua. Từ đó, vấn đề này được xem như một phần đóng góp vào lĩnh vực xã hội học trí thức đã từng có những bước phát triển ấn tượng những năm qua.
Thật vậy, ngoài việc trình bày cập nhật thư mục tham khảo, Trịnh Văn Thảo còn giới thiệu tiểu sử các trí thức Việt Nam được nghiên cứu kĩ lưỡng. Chính việc làm này đã cho chúng ta thấy, nếu đây không phải là một cuốn sách mới, thì nó cũng là một cuốn sách được đổi mới thực sự có ý nghĩa.
Cuối cùng, Trịnh Văn Thảo đã có sáng kiến hay khi thêm một chương dẫn nhập về vấn đề xã hội học lịch sử. Đó là lĩnh vực luôn bị hiểu nhầm hoặc không được chú ý đến, nguyên nhân có thể hay gặp nhất là do sự thiếu hiểu biết về những gì mà nó mang lại. Trong khi đó, xã hội học lịch sử lại là một lĩnh vực trọng yếu của xã hội học. Việc phân chia các chuyên ngành trong các ngành xã hội và nhân văn đã từng có xu hướng giậm chân tại chỗ. Có nhiều tác giả đã phát hiện sự tiêu cực trong nghiên cứu vấn đề này, từ Maurice Halbwachs tới Jean-Claude Passeron qua trường phái “Annales”1. Danh sách có lẽ còn dài. Tuy nhiên vấn đề đó luôn quay trở lại. Thế mà, ngay khi xã hội học ra đời, vấn đề đặt ra chính là chiều kích lịch sử của các hiện tượng xã hội. So sánh, là “mẹ đẻ” của tất cả các phương pháp khoa học xã hội, không thể chỉ giới hạn trong viễn cảnh không gian hay liên văn hoá, mà cần phải tích hợp vào lịch đại.
Trong cuốn sách của mình, Trịnh Văn Thảo đã mang lại một sự đóng góp quan trọng cho bước đi của xã hội học khi có tính đến bề dày lịch sử của đối tượng của nó.