Có thể nói, cho đến trước năm 1909, Trung Quốc cũng như các nước khác ở Đông Nam Á không có bằng chứng nào chứng minh họ quan tâm đến việc xác lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngược lại, các nhà nước phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, luôn có ý thức sâu sắc vị trí đặc biệt quan trọng của biển, đảo trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Trên cơ sở đó, các nhà nước phong kiến Việt Nam từ rất sớm đã có chiến lược biển đảo và đề ra các chủ trương khai chiếm các quần đảo giữa Biển Đông, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để biến các chủ trương đó thành hành động thực tế, nhà nước phong kiến đã tổ chức riêng các cơ quan với những lực lượng chuyên trách việc kiểm tra, kiểm soát bảo vệ và khai thác Biển Đông, trong đó đội Hoàng Sa - một tổ chức dân binh được chúa Nguyễn chủ trương thành lập dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, là một trường hợp hết sức tiêu biểu.
Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ khi thành lập, trải qua thời các chúa Nguyễn, Tây Sơn và nhà Nguyễn, đóng vai trò là lực lượng chủ yếu, độc đáo và duy nhất dưới danh nghĩa nhà nước xác lập và thực thi chủ quyền ở Biển Đông, cụ thể trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không chỉ thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước. Như vậy, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa và các đội kiêm quản khác chính là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, kéo dài trong nhiều thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) và tuân theo luật lệ rõ ràng của nhà nước phong kiến Việt Nam. Suốt trong ba thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, đội Hoàng Sa đã hoạt động tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên và bảo vệ các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.
Trên cơ sở khai thác các tài liệu trong lịch sử và mở rộng điều tra khảo sát các nguồn tư liệu đương đại khác của Việt Nam và nhiều nước có liên quan, cuốn sách Đội Hoàng Sa Trong Lịch Sử Xác Lập Và Bảo Vệ Chủ Quyền Biển Đảo Của Việt Nam tập trung phác dựng lại hình ảnh khách quan và chân thực của công cuộc khai chiếm, xác lập và thực thi chủ quyền của các nhà nước Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa từ những thập kỷ đầu thế kỷ XVII cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX.