Con cháu Mon Mân là kết quả của công trình Khảo sát tiến trình ra đời của Kalêvala và vận dụng kết quả nghiên cứu sử thi này để biên soạn Sử thi Việt Nam. Tên gọi của công trình đã phần nào nói lên vai trò quan trọng của các phương pháp mà tác giả Elias Lõnnrot (1802 - 1884) đã sử dụng khi ông sáng tạo nên sử thi Phần Lan Kalêvala, đối với sự ra đời của sử thi Con cháu Mon Mân…
Sử thi miệng của các dân tộc Việt Nam được diễn xướng, hát kể trong môi trường dân gian. Khi được dịch sang tiếng Việt và xuất hiện dưới dạng văn bản, lối nói và vần cũng như giai điệu của nhiều sử thi đã không còn được như trạng thái ban đầu. Một số sử thi lại được chuyển dịch sang văn xuôi trong tiếng Việt. Khi xây dựng Con Cháu Mon Mân, tác giả không có nhịp thơ, vần luật gốc để lấy đó làm nhịp thơ cho tác phẩm như Lõnnrot đã lấy nhịp thơ truyền thống tám nhịp của thơ ca dân gian Phần Lan làm vần luật của Kalêvala. Tác giả chọn thể thơ thất ngôn truyền thống vì thấy rằng thể thơ này vừa có khả năng bộc lộ chất tự sự của truyện dài, vừa có khả năng thể hiện tính trữ tình cần thiết khi miêu tả nội tâm nhân vật.
Cốt truyện chính của Con Cháu Mon Mân được phát triển từ hai chữ “đồng bào” và mô típ chính trong thần thoại các dân tộc Việt Nam: người Việt Nam ta được sinh ra từ bọc trăm trứng (thần thoại Việt), từ trứng điếng (đẻ đất - đẻ nước - Mường), từ quả bầu sau nạn hồng thuỷ (thần thoại nhiều dân tộc ít người), là con rồng cháu Tiên. Mạch truyện của sử thi được bắt đầu từ lúc trời đất khai sinh, sự xuất hiện của con người, lớp lớp con cháu của Mon Mân – dòng dõi của Người và Tiên – đã chiến thắng thiên tai, khai phá và xây dựng nên Đồi, Biển và Rú Đá, nơi tổ tiên họ lưu lạc đến sau nạn hồng thuỷ. Tuy có những va chạm, xích mích, thậm chí đánh giết nhau trong quá trình sinh tồn, nhưng dân của cả ba miền phải đoàn kết lại mới thắng được kẻ thù chung.
Để truyền tải được cốt truyện trên, tác giả không những chỉ sử dụng nguồn tư liệu sử thi truyền thống và sử thi miệng, mà còn chọn lọc, xây dựng các tích truyện từ truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ tự sự, ca dao, dân ca trữ tình… của các dân tộc Việt Nam. Ngay cả những mô típ chỉ xuất hiện đôi ba dòng trong các công trình nghiên cứu cũng được lựa chọn để đưa vào sử dụng. Kho tàng văn học Việt Nam của phần lớn các dân tộc ở Việt Nam đã được tận dụng đến mức tối đa, trong điều kiện cho phép. Đấy là lý do tác giả đặt phụ đề “Sử Thi Việt Nam” sau tên chính của tác phẩm.
Nhân danh và địa danh trong sử thi phần lớn là hư cấu. Trong một số trường hợp, tác giả giữ nguyên các nhân vật của một số sử thi miệng, như Dạ Dần, Ây Ứa (Mường), Ti-ăng (M’nông) hay Ông Dóng (thần thoại Việt). Các nhân vật khác được tạo dựng và kết nối bằng tính cách, hành động anh hùng của các nguyên mẫu trong sử thi và văn học dân gian. Các thao tác trên cũng được áp dụng đối với địa danh…