Thăng Long, tên gọi thủ đô chúng ta ngày nay, xuất hiện từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư tới đây. Tiếp đó, vùng đất này còn có các tên gọi khác như Đông Kinh, Đông Đô, Bắc Thành, Hà Nội. Tên gọi Hà Nội xuất hiện từ năm 1831, do vua Minh Mệnh đặt với ý nghĩa đây là thành phố nằm giữa các con sông. Từ 1010 cho đến 1945, vùng đất này đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sự, biến cố liên quan đến các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê - Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, và cuối cùng là thủ phủ của Bắc Kỳ và Liên bang Đông Dương.
Các câu chuyện dã sử này đáng tin đến mức độ nào là một điều không dễ đoán định. Không lấy gì làm chắc về một ông vua Lê Duy Bang nào đó đã từng là con nợ của rất nhiều người, gây nên những câu chuyện buồn cười nhưng lại rất khó bác bỏ bởi câu thành ngữ "Nợ như Chúa Chổm" hay cái tên phố Cấm Chỉ tới nay vẫn còn tồn tại ở Hà Nội. Rồi tên Hoàn Kiếm gắn với việc Lê Lợi hoàn lại cho Long Vương thanh gươm thần, chùa Chân Tiên gắn với việc Nguyễn Trãi thảo lời thề buộc Vương Thông phải giảng hòa, hoặc điện Huy Văn, chùa Dục Khánh gắn với sự kiện bà phi Ngô Thị Ngọc Dao được vợ chồng Nguyễn Trãi giúp trốn ra ngoài cung, tránh sự truy đuổi của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, sinh Lê Thánh Tông ở đây và tới nay vẫn còn các bức tường thờ: Lê Thánh Tông, Nguyễn Thị Ngọc Dao, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ.
Bên cạnh các câu chuyện truyền văn còn có các bài vè được xem như những tài liệu khẩu báo, ghi chép chân thực các sự kiện diển ra bên cạnh các ghi chép chính sử như "Hà Thành Chính Khí Ca", "Hà Thành Thất Thủ Ca", vè "Đông Kinh Nghĩa Thục". Ngoài ra, còn nhiều thành ngữ, ca dao gắn với các câu chuyện dân gian truyền tụng, chẳng hạn "Chơi với kẻ Sốm không ốm cũng què", kể về lột làng ở Tổng Cổ Lãm, nay thuộc Thanh Oai đã tham gia đánh quân Minh trong trận quân ta phục kích ở cầu Nhân Mục hoặc câu ca " Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn" gắn với sự kiện nhân dân cùng Thăng Long nô nứ đón mừng quân đội của Lê Lợi, khi nhà lãnh tụ này đóng quân ở Bồ Đề, uy hiếp thành Đông Quan bị giặc Minh chiếm đóng. Bồ Đề là địa điểm trên sông Hồng. Cắt cỏ Bồ Đề để tiếp tế cho ngựa của nghĩa quân. Và còn rất nhiều câu chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử thời cận đại, hiện đại mà tên của họ giờ đây đã trở thành tên các con phố ở thủ đô.