Tập thứ nhất của bộ sách Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam bao hàm ba nội dung chính:
Một là quá trình chuẩn bị lâu dài và công phu, dẫn tới sự ra đời và khẳng định tầm vóc, đặc trưng cũng như vị trí to lớn của Văn minh sông Hồng, Văn minh Đông Sơn, Văn minh Văn Lang hay Văn minh dựng nước. Đây là nền văn minh đầu tiên, phản ánh sự kết tinh những giá trị sáng tạo gần như là hoàn toàn bản địa. Xét từng lĩnh vực cụ thể, ở đó không có gì thuộc hàng kỳ vĩ, nhưng xét về tổng thể, sự hài hòa kỳ diệu của tất cả đã tạo nên bản sắc độc đáo và bản lĩnh phi thường của tổ tiên ta. Chính bản sắc và bản lĩnh này đã cho phép dân tộc ta đủ sức để vượt qua thử thách cực kỳ cam go của hơn một ngàn năm bị các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược và đô hộ, vượt qua những mưu đồ đồng lióa hết sức nguy hiểm của ngoại bang.
Hai là cuộc đối đầu Việt - Hán và văn hóa nước nhà trong thời Bắc thuộc. Đến đây, những biến đổi to lớn của thế cục chính trị đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ, lâu dài và sâu sắc đến đời sống văn hóa của xã hội. Suốt cả khoảng thời gian trường kỳ và đầy khốc liệt này, tổ tiến ta rất kiên quyết nhưng cũng đồng thời rất tỉnh táo. Kiên quyết là kiên quyết phủ định một cách hiên ngang toàn bộ mưu đồ của chủ nghĩa bành trướng đại Hán. Tỉnh táo là tỉnh táo trong ý thức kết hợp một cách chặt chẽ giữa việc bảo vệ những thành tựu của văn hóa cổ truyền với việc khách quan chọn lựa những giá trị phù hợp của các thành tố ngoại nhập, miễn sao những thành tố này thực sự có ý nghĩa góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của mình.
Ba là sự phát triển của văn hóa nước nhà trong bối cảnh đầy tliuận lợi của kỷ nguyền độc lập, tư chủ và thống nhất. Kỷ nguyên này được mở ra từ họ Khúc (905 - 930) và kết thúc cùng với sự kết thúc của thời Lê sơ (1428 - 1527). Và như trên đã nói, những gì diễn ra sau thời Lê sơ sẽ được trình bày trong hai tập cuối. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là Văn hóa Lý - Trần, Văn hóa Thăng Long hay Văn hóa Đại Việt... Đó thực sự là những cố gắng rất đáng trân trọng trong quá trình tìm kiếm một khái niệm, có tầm khái quát thật cao. Nhưng, cũng như nhiều người khác, tác giả thấy rằng, tất cả các khái niệm chung này còn có những biểu hiện chưa thật sự thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu khái niệm chung còn có chỗ chưa thực sự thỏa đáng thì trái lại, hiện thực sinh động của văn hóa nước nhà trong giai đoạn lịch sử này lại rất rõ ràng, sinh động và đầy sức thuyết phục.