...Có không ít điều vốn dĩ đã quen thuộc và gắn bó rất mật thiết với chúng ta nhưng nào phải vì thế mà ai cũng đều có thể dễ dàng hiểu hết được. Kho tàng văn hóa dân gian là một ví dụ cụ thể. Tác giả của sách này không phải là một nhà văn hóa học nên không dám lạm bàn đến những vấn đề thuộc về phương pháp luận của ngành học này, song cố gắng trình bày diện mạo của đời sống văn hóa dân gian như chính quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của nó thì mọi người đều có quyền thử sức. Trên tinh thần đó, xin được coi tập 4 của bộ Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam là sự cố gắng tham gia thử sức của tác giả.
Cơ sở tư liệu chủ yếu của tập 4 này là những bộ hồ sơ khảo sát thực tế của tác giả. Liên tục trong mấy chục năm trời, hết vào Nam lại ra Bắc, hết lên mạn ngược lại xuôi về duyên hải, hết thử sức ký âm, chụp ảnh đến vẽ hình, nên những gì thu lượm được không phải là ít. Tuy nhiên, dân gian bao giờ cũng là dân gian! Sự đồng thời lưu truyền nhiều dị bản là hiện tượng rất phổ biến. Trước thực trạng ấy, tác giả đã cố gắng chọn lựa và giới thiệu những bản khung giàu độ tin cậy nhất, đồng thời cẩn trọng đối sánh tất cả tài liệu dân gian với từng chi tiết nhỏ trong ghi chép của các thư tịch cổ. Trước sau thì mục tiêu duy nhất của tác giả vẫn là hạn chế đến mức tối đa việc khái quát chỉ dựa trên một số tư liệu đơn giản và phiến diện...