Trong tay bạn là tập thứ 5, tập cuối cùng của bộ sách dài 5 tập cùng có tên chung là Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam. Tương tự như 4 tập đầu, ngoài tên gọi chung là Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 5 còn có tên gọi riêng là Văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX. Và tên gọi riêng này cũng chính là nội dung cơ bản của tập 5. Nói cách khác hơn, đây là tập sách chuyển đến bạn đọc một số kết quả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX.
Ở Việt Nam, nói đến thế kỷ XIX cũng có nghĩa là nói đến thế kỷ của nhà Nguyễn. Đành là từ năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta và cũng đành là sau hàng loạt các cuộc tấn công dồn dập, đến năm 1884, thực dân Pháp đã buộc triều Nguyễn phải ký hiệp ước Patenotre và hạ vũ khí đầu hàng, nhưng chuyển biến của đời sống vãn hóa lúc bấy giờ lại diễn ra chậm hơn rất nhiều so với chuyển biến của đời sống chính trị. Thế kỷ XIX trước sau vẫn là thế kỷ chứa đựng đầy đủ các đặc trưng của văn hóa mạt kỳ trung đại Việt Nam. Xưa nay, việc định vị thế kỉ XIX trong tiến trình chung của văn hóa Việt Nam tuy không phải là quá khó khăn, song việc cẩn trọng tiến hành tập hợp, hệ thống, xác minh, chỉnh lý tài liệu để giới thiệu lại không phải là chuyện dễ. Diễn biến của toàn bộ quá trình phân hóa và phân cực xã hội đã gây ra những tác động không nhỏ đối với diện mạo chung của đời sống văn hóa Việt Nam đương thời. Hoàn toàn khác với các giai đoạn lịch sử trước đó cũng như sau đó, xã hội thế kỷ XIX có cách diễn đạt tư duy rất riêng của thế kỷ XIX. Nếu không nắm vững bối cảnh lịch sử thì sẽ thật khó mà nhận diện được những nội dung có giá trị căn bản nhất ẩn dấu phía sau các sự kiện, hiện tượng và trào lưu văn hóa.