Cùng với Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký tiền biên (ĐVSKTB) là một trong ba bộ quốc sử lớn của nước ta còn lại đến ngày nay.
Sau Đại Việt sử ký toàn thư khắc in và công bố vào năm Đinh Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 18, triều Lê Hy Tông (1697), ĐVSKTB là bộ quốc sử thứ hai được khắc in trong ba năm Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, Canh Thân, hoàn thành vào năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) triều Tây Sơn.
Bộ sử 17 tập này được Sử quán triều Tây Sơn cho khắc in trên cơ sở công trình biên soạn của sử gia Ngô Thì Sĩ, được con ông là Ngô Thì Nhậm tu đính, đây thực sự là một thành tựu quan trọng về sử học của vương triều tiến bộ nhưng quá ngắn ngủi ấy.
Tác giả Ngô Thì Sĩ (1726-1780) là một nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà văn hóa lớn của nước ta ở thế kỷ XVIII, mà các tác phẩm cũng như công trình biên khảo đều toát lên một tinh thần yêu nước nồng nàn, đồng thời cũng thể hiện một trình độ học vấn uyên bác, một thái độ trị học nghiêm túc, giàu tinh thần phê phán. Trên phương diện sử học, ĐVSKTB cũng như Việt sử tiêu án của ông đều là những công trình như vậy.
Con ông, Ngô Thì Nhậm (1746-1803) - người biên tập và tu đính văn bản - là một trí thức lớn, sáng suốt và nhạy bén, đã sớm tham gia phong trào Tây Sơn, cộng tác đắc lực và trung thành với Quang Trung Nguyễn Huệ, đồng thời đã cống hiến cho văn hóa nước nhà nhiều công trình sáng giá như: Hàn các anh hoa, Hy Doãn thi văn tập, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh...
ĐVSKTB, về phương diện sử liệu, căn bản dựa theo Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng giá trị chủ yếu là ở những bình luận sắc sảo và những vấn đề tác giả nêu lên để đính chính hoặc đánh giá lại.
Xin trân trọng giới thiệu!