Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là công trình tập thể của các sử quan thời phong kiến, những tín đồ của Nho giáo chính thống, bị chi phối sâu sắc bởi ý thức hệ Nho giáo và văn hoá Hán Nho. Bộ sử được soạn theo lệnh của các vương triều thời Trần và thời Lê thể hiện cách nhìn lịch sử dân tộc trên lập trường quốc gia của Nhà nước phong kiến Đại Việt. Ý thức dân tộc, tự chủ quốc gia đã được các sử thần đề cao và khẳng định. Các sử thần này ảnh hưởng đậm bởi phương pháp viết sử của văn hoá Hán Nho, coi việc viết sử là nơi thể hiện tài năng văn học của mình. Sử học cũng chứa đựng chất “văn chương” - “văn sử bất phân” là đặc trưng của văn học, sử học vùng văn hoá Đông Á trung đại. Văn để chở đạo (văn dĩ tải đạo) thì sử cũng là tấm gương (minh giám) để soi chung cho đời, đúng như lời tuyên ngôn của Phạm Công Trứ - một đồng tác giả của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Ngọn bút chép sử giữ nghị luận rất nghiêm: ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ ngang với mặt trời mặt trăng, lên án kẻ loạn tặc thì gay gắt như sương thu lạnh buốt. Người thiện biết có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn, quan hệ đến việc chính trị không phải là không nhiều. Cho nên làm sử là cốt cho được như thế” (Lời tựa sách Đại Việt Sử Ký Tục Biên). Ngày nay, khi đánh giá Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Từ điển Bách khoa Việt Nam Tập I (Nxb Từ điển Bách khoa, 1995, tr 722) đã khẳng định giá trị to lớn của bộ quốc sử và tinh thần viết sử đầy trách nhiệm của các soạn giả: “...sách viết theo thể biên niên, liệt kê các vương triều. Tư liệu về nhiều mặt, có các lời bình nghiêm túc và theo quan điểm chính thống của các soạn giả".
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư được coi là bộ quốc sử đầu tiên của nước ta được truyền lại hoàn chỉnh nhất, đầy đủ nhất đến nay. Các nhà sử học Việt Nam từ thời phong kiến Lê, Nguyễn đến tận ngày nay từng ngợi ca, khai thác và sử dụng Đại Việt sử kí toàn thư, coi đó là “Một trong những tác phẩm đặt cơ sở cho sự ra đời của nền sử học Việt Nam, một bộ phận tạo thành của nền văn hóa Thăng Long đang phát triển rực rỡ thời bấy giờ”. Và “Có thể coi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư như một “bộ sử mẹ” đã thâu tóm và hội nhập vào mình nhiều “bộ sử con” đúc kết và phản ánh những thành tựu cùa nền sử học cổ truyền Việt Nam trong thời kỳ hình thành và phát triển đầu tiên cùa nó. Đây là vị trí và giá trị lịch sử của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư trong lịch sử sử học Việt Nam nói riêng và lịch sử văn hoá Việt Nam nói chung”.