Ở nước ta môn địa lý học lịch sử xưa kia vốn không được thịnh như ở Trung Quốc, những khi mà các sử gia bắt đầu chú thích sách chính sử, như "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" ở thời Lê Mạt và nhất là sách "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục" ở đời Tự Đức nhà Nguyễn thì họ cũng bắt đầu để ý đến nhiều địa lý học lịch sử. Duy vì tài liệu địa lý học của nước ta hiếm hoi và vì các cách sử cũ ít quan tâm đến khía cạnh địa lý của các sự kiện, rất ít ghi chép những sự thay đổi về cương giới, về khu vực hành chính, về vị trí của những địa điểm chính trị và quân sự, cho nên rất khó có tài liệu chắc chắn và đầy đủ để giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, nhờ những bi ký, những thần tích, những tập truyện của các địa phương, người ta cũng đã nhận định được vị trí của một số địa điểm lịch sử ví dụ những căn cứ địa của Thập Nhị Sứ Quân. Các tác giả sách "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục", trong phần chú thích đã đặc biệt chú thích về đại lý học lịch sử và đã dùng tài liệu rộng rãi hơn các nhà sử học trước; ngoài các địa chỉ và các thư chí khác ở đời Lê, họ đã tham dụng cả những sách chính sử và thư chí của Trung Quốc. Ví dụ ở phần chú thích, chỗ chép việc định lại "bản đồ hạ" ở năm Quang Thuận thứ 10 đời Lê Thánh Tông, họ đã ghi đủ danh sách các phủ huyện của 12 thừa tuyên và nêu cả sự diên cách của mỗi địa phương từ khởi Bắc thuộc cho đến đời Nguyễn Gia Long.
Đồng thời với sách "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục", sách "Đại Nam Nhất Thống Chí", cũng là tác phẩm ở thời Tự Đức đã đề cao phần địa lý học lịch sử mà ghi chép kỹ càng ở mục "thiên trí diên cách" về mỗi tỉnh và mỗi phủ huyện.
Có thể nói rằng từ đầu thời Nguyễn, môn địa lý học lịch sử đã được các nhà sử học bắt đầu chú ý. Đời Minh Mệnh, Nguyễn Văn Siêu, trong sách "Đại Việt Địa Dư Toàn Biên" gồm 5 quyển, đã để cả quyển I đề là "Địa Chí Tiền Biên" để chép lại danh sách các khu vực hành chính của nước ta trải qua các đời, theo các sách chính sử của Trung Quốc từ "Tiền Hán Thư Đến Đường Thư", và cả quyển II đề là "Tiền Lê Phương Dư Chính Biên" để ghi chép những thay đổi của những khu vực hành chính trong đời Lê và phụ chép những chương mục của sách "Thiên Hạ Quận Quốc Lợi Bệnh Thư" và sách "Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu" có quan hệ về địa lý học lịch sử nước ta. Một phần quan trọng của những quyển khác cũng được dành cho địa lý học lịch sử.
Sách "Việt Sử Cương Giám Khảo Lược" của Nguyễn Thông ở đời Tự Đức gồm 7 quyển, trong quyển I, tác giả thảo luận về một số điểm sai sót của sách "Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục", có nhiều điểm quan hệ về địa lý học lịch sử đến như bức thư của Vụ Phạm Khải gửi cho Tô Trân và Phạm Hữu Nghi là hai sử thần ở Quốc sử quán bấy giờ để bàn về sách "dư địa chí", thư ấy Nguyễn Thông phụ chép ở tác phẩm trên thì rõ ràng là một bài nghiên cứu về địa lý học lịch sử.
Cũng ở đời Tự Đức, sách "Sử Học Bị Khảo" của Đặng Xuân Bảng, ngoài quyển đầu về "Thiên Văn Khảo" và quyển cuối về "Quan Chế Khảo" thì hai quyển giữa đề là "Địa Lý Khảo Thượng, Hạ" chủ yếu là nghiên cứu những vấn đề địa lý học lịch sử như "cổ kim lý lộ", "cổ kim đô hội", "tiền triều địa danh diên cách" với vấn đề "đồng trụ", vấn đề "hà đê", tác phẩm của Đặng Xuân Bảng có thể xem là một công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử quan trọng nhất trong học giới nước ta ở thời phong kiến.
Sau thời thuộc Pháp thì từ khoảng đầu thế kỷ XX, giáo sư L. Cadìere, có những bài nghiên cứu về địa lý học lịch sử tỉnh Quảng Bình: "Géographie his-torique du Quảng Bình d'apres les annales imprériales". BEFEO, II "Les lieux historiques du Quảng Bình. BEFEO, III.
Đến khoảng những năm mười của thế kỷ này thì nhà hán học H. Maspéro có những bài nghiên cứu về địa lý học lịch sử nước ta về nhiều đời khác nhau.
Trước Cách mạng tháng Tám, một học giả Nhật Bản là Tá Bà Nghĩa Minh cũng nghiên cứu về vấn đề vị trí Tượng Quận và một nhà học giả Nhật Bản khác là Sơn Bản Đạt Lang đã nghiên cứu về vị trí của thương cảng Vân Đồn ở thời Lý, Trần. Trong thời toàn quốc kháng chiến chúng ta chống quân xâm lược Pháp thì Sơn Bản Đạt Lang lại cho xuất bản một tác phẩm lớn nghiên cứu về hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên và chống quân Minh của nước ta. Trong tác phẩm ấy, tác giả đã nghiên cứu những vấn đề địa lý học lịch sử liên quan với hai cuộc kháng chiến ấy và với cuộc thống trị ngắn ngủi của nhà Minh đối với nước ta.
Mục lục:
Lời dẫn
Nước Văn Lang
Nước Âu Lạc
Nước Âu Lạc dưới ách đô hộ của nhà Hán
Nước Âu Lạc dưới ách đô hộ ngoại tộc trong thời Tam Quốc và thời Lưỡng Tấn
Nước Âu Lạc dưới ách đô hộ ngoại tộc trong thời Nam Bắc triều
Nước ta dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường
Cương vực nước ta ở bước đầu sau thời khôi phục tự chủ
Cương vực ở nước ta ở thời Đinh Lê
Cương vực ở nước ta đời Lý - nước Đại Việt
Nứơc Đại Việt ở đời Trần và đời Hồ
Những thay đổi về địa lý hành chính ở nước thuộc Minh
Sự diên cách về địa lý hành chính qua các đời Lê Nguyễn
Các tỉnh nước Việt Nam ở đời Nguyễn
Sự mở mang lãnh thổ vào Nam qua các đời Lý, Trần, Hồ Lê
Nhìn chung về lãnh thổ nước ta