Quan giữ chức Đô Ngự Sử, tước Văn Thông Bá là Nguyễn Công Mậu quán xã Du La, huyện Thanh Lâm. Ông làm quan vốn có tiếng là thanh liêm, ngay thẳng, án kiện dẫu có bao điều uẩn khúc đến đâu, ông cũng đều xét đoán như thần, cho nên, thời ông giữ chức Đô Ngự Sử cũng là thời thiên hạ không mấy ai phải hàm oan.
Địa phương nọ có một thổ hào vẫn hay ỷ thế để đặt chuyện tố cáo người làng. Hắn lắm tiền đút lót nên quan trên vẫn luôn cho hắn thắng kiện, nhưng khi ông đến xét lại thì hắn phải chịu thua, từ đó không còn kiện cáo nào nữa. Bấy giờ, vận nước nghiêng ngửa, chính sự đổ nát, ông chán nản mà xin từ quan để về quê nghỉ. Nhưng lúc đó giặc cướp nổi lên như ong, đường về của ông bị nghẽn tắc. Thay vì lo sợ, ông đội mũ, mặc áo chỉnh tề rồi ung dung cùng với mấy tên gia nhân lên đường chứ chẳng e dè gì cả. Về tới Gia Lâm, khi đến ngõ lớn, thấy có một toán binh mã kéo đến trước mặt, kẻ cầm đầu thì chẳng ai xa lạ mà chính là tên thổ hào ưa kiện cáo ngày nào. Gia nhân sợ run lên. Đúng lúc đó, viên thổ hào xuống ngựa vái chào mời ông về nhà hắn nghỉ tạm. Ai cũng ngờ viên thổ hào này còn oán hận chuyện thua kiện nên giờ chỉ kiếm cớ để trả thù thôi, việc hắn mời ông vể nhà ắt chẳng chút ý tốt. Ông bất đắc dĩ mà nhận lời. Về đến trang trại hắn. Ông thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, phía trong đã có sẵn một con heo luộc và cơm rượu bày sẵn. Ông lấy làm lạ nhưng cũng thầm nghĩ đó là điềm lành.
Lát sau, viên thổ hào dẩn ba người vợ ra vái cháo và thưa:
Chúng tôi nghĩ, thời buổi này chỉ có những người như ông mới đáng ra làm quan. Chúng tôi là kẻ sinh trưởng ở chốn thôn quê, thường nghe nói các quan ở triều đình thanh liêm chính trực, bèn giả vờ bày chuyện kiện cáo rồi đem tiền của đút lót xem sao. Chẵng dè, hễ có lễ hậu thì việc trái đến đâu khi tới nha môn cũng thành việc phải cả. Xem ra chỉ có mình ông là không nhận của nhận hối lộ.