Kinh đô Thăng Long là vùng đất văn vật, có một truyền thống văn hóa lâu đời. Tô điểm và làm đẹp thêm truyền thống ấy là những người con của Thăng Long. Họ có thể sinh ra trên đất Thăng Long, về Thăng Long ngụ cư, sinh sống hoặc một thời gian dài làm quan trên mảnh đất này. Tại đây, họ đã có dịp chứng kiến sự đổi thay của Thăng Long qua các thời kỳ, sự biến thiên của lịch sử với mọi thăng trầm, bể dâu. Chính họ, bằng tài năng và đạo đức của mình đã gìn giữ mảnh đất này, làm cho nơi đây trở nên thịnh vượng, trở thành niềm tự hào của dân tộc, của đất nước.
Thăng Long qua bao năm tháng tồn tại và phát triển bởi đây là nơi hội tụ các tài năng, nơi tụ tập những con người ưu tú. Ngoài tài năng, những người con của Thăng Long còn hội cả những tác phẩm chất đạo đức cao quý: trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trung với nước, với vua, với triều đình, với dân tộc như Trần Hưng Đạo, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Lý Thường Kiệt, Lương Văn Can, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản... Hiếu với mẹ như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi... đặc biệt, nơi đây còn ghi nhận việc thực hiện đạo hiếu của một người con không nghe lời trăn trối của cha, hết lòng vì quyền lợi của triều đình - lúc đó cũng đồng nhất với quyền lợi dân tộc - như Trần Hưng Đạo. Ông là tấm gương sáng khi thay tiểu hiếu bằng đại hiếu. Còn có bao tấm gương danh tiết, trọng nghĩa khí, trong sạch, cương trực...