Trước khi đặt chân tới Việt Nam, trở thành Giám đốc C.I.A ở Sài Gòn, William Colby đã có một quá trình công tác rất lâu trong ngành tình báo. Là một thành viên của O.S.S cơ quan tình báo chiến lược Mỹ, ông tổ của C.I.A, trong chiến tranh thế giới thứ hai, W. Colby đã đại diện cho C.I.A ở Ý và Thụy Điển. Sau một thời gian từ 1962 đến 1968, phụ trách Phân cục Tình báo Viễn Đông, nhưng trọng tâm vẫn là theo dõi và chỉ đạo công tác tình báo ở Việt Nam, Colby lại trở lại Sài Gòn với hàm đại sứ và chức danh là cố vấn của tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam. Từ 1973 đến 1976. Colby trở thành Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Không mô tả lại cả quá trình cuộc chiến trong cuốn sách, W. Colby chỉ đi sâu vào một số giai đoạn, một số thời điểm mà ông cho là quan trọng, có tính quyết định tới diễn tiến của cuộc chiến. Như giai đoạn từ 1959 đến 1962, khi cộng tác với Diệm - Nhu, đặc biệt là Nhu, người mà ông ca ngợi là đã đưa ra ý tưởng về "ấp chiến lược"; thời điểm năm 1967 mà ông coi là một "bước ngoặt", với sự xuất hiện của Johnson, người đã kêu gọi phải chú trọng tiến hành một "cuộc chiến tranh khác", nghĩa là phải nâng cuộc chiến tranh bằng chính trị lên ngang tầm với chiến tranh bằng quân sự - của Nguyễn Văn Thiệu, người mà sau một thời kỳ hỗn loạn do cái chết của Diệm - Nhu, cuối cùng người Mỹ đã phát hiện ra; và giai đoạn sau xuân 1968, mà Colby xác định là một "bước nhảy vọt" trong cuộc chiến ở Việt Nam, với việc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức đẩy mạnh công tác bình định, ổn định tình hình nông thôn...
Trong cuốn sách, với cương vị là người lãnh đạo C.I.A ở Nam Việt Nam trong một thời gian tương đối dài, W.Colby đã cung cấp cho người đọc một số những thông tin cùng với những phân tích, đánh giá, nhận định của ông - điều đó sẽ góp phần cho người đọc hiểu thêm về một cuộc chiến đã qua. Tuy nhiên, trong khi trình bày lịch sử và ít nhiều cũng để biện hộ cho bản thân và ngành mình, ông cũng đã có không ít những chỗ nhầm lẫn, thậm chí cả xuyên tạc, bóp méo.