Nếu Thăng Long - Đông Đô là quốc đô đời đời giữ vị trí trung tâm chính trị - văn hoá của đất nước, về lâu dài là không thể thay thế; Tây Đô được xây dựng theo chủ trương của Hồ Quý Ly khi họ muốn dần dần thay thế triều Trần; các kinh đô ấy được xây dựng khi cõi bờ đất nước còn phẳng lặng thì Trung Đô được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho xây cất vì yêu cầu thống nhất sơn hà và phòng ngoại xâm khi bên trong, ở phía cực Nam, lực lượng Nguyễn Ánh còn tồn tại, luôn chực lấy lại đất Gia Định, và bên ngoài các thế lực ngoại bang đang lăm le thôn tính nước ta. Để vươn lên cáng đáng sứ mệnh quản lý cả vùng Bắc Hà (mà thuở đó nhiều người gọi là đất của vua Lê), tức khi lịch sử giao phó cho nhà Tây Sơn trách nhiệm quán xuyến cõi bờ cả trong Nam, ngoài Bắc thì họ phải cho xây dựng Trung Đô. Và, Trung Đô đã giữ một vai trò nhất định trong sự nghiệp quy non sông về một mối của nhà Tây Sơn mà người trực tiếp cáng đáng công việc là Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ...
Bạn đọc sẽ nhận biết từ tập sách này những tư liệu đáng tin cậy về gốc tích nhà Tây Sơn, về lý do ra đời và vị thế của Phượng Hoàng Trung Đô cùng vai trò của nó trong lịch sử đất nước, về tầm nhìn của Nguyễn Huệ đối với Nghệ An. Cũng qua tập sách, bạn đọc sẽ hình dung được vùng đất có Phượng Hoàng Trung Đô trên những bước đường phát triển tất yếu của lịch sử. Tập sách cũng sẽ thỏa mãn phần nào khi bạn đọc muốn đối chiếu với các văn bản Hán-Nôm.