Đi tìm nguồn gốc, sự phát tán của xã hội nông nghiệp đầu tiên qua khảo cổ, nhân chủng học lịch sử và thấy ở đó sự kết nối của việc lan tỏa văn minh nông nghiệp với những đợt xê dịch ngôn ngữ và cư dân - cuốn sách đưa người đọc đặt chân đến những thuyết quan trọng nói về sự phát tán nông nghiệp trong thời tiền sử, đặc biệt nói về những động lực chuyển đổi từ xã hội săn bắt hái lượm sang nông nghiệp, có thể thấy: áp lực dân số, môi trường, văn hóa, may mắn trong định cư, ý thức, vô thức di truyền…
Như một người làm công việc cắt lớp lịch sử đầy kỹ lưỡng, tác giả cuốn sách này dành đến sáu chương (2, 4, 5, 6, 7, 8) đưa người đọc du hành những xã hội sơ khai để khám phá: sự khởi đầu của nông nghiệp ở Tây Nam Á, tìm hiểu về quá trình thuần hóa cây trồng thời trước gốm dẫn đến những cuộc cách mạng trong nhận thức nông nghiệp thời Đá mới; rồi sự lan tỏa nông nghiệp thời Đá mới ở Tây Nam Á sang châu Âu và châu Á đến tiểu lục địa Ấn Độ; sự phát triển nông nghiệp ở châu Phi như một trung tâm độc lập, nhiều nét đặc thù và “đặc sản” bản địa; sự khởi đầu của nông nghiệp vùng Đông Á cho đến sự phát tán của nông nghiệp tới Đông Nam Á và châu Đại Dương… Các chương còn lại, tác giả đi sâu tìm kiếm các yếu tố truyền bá cư dân, tương quan sinh học… giữa các nhóm cư dân xã hội nông nghiệp sớm để tìm ra sự phát tán nông nghiệp gắn liền với sự phát tán của các ngữ hệ lớn như Ấn - Âu, Nam Đảo, Hán - Tạng, Utto - Aztecan...
Cuối cuốn sách, ông đi đến kết luận: “Năng lực của con người trong việc di cư và định cư thành công ở những môi trường mới là một trong những tài sản lớn nhất của tổ tiên mọi dân tộc trên thế giới, ở mọi trình độ phát triển, từ những người săn bắt hái lượm qua những cư dân nông nghiệp cổ đại đến những người sáng lập các nhà nước đầu tiên”. Và ông tin rằng xã hội tương lai sẽ khai thác được những năng lực tiềm tàng đó vì mục tiêu nhân văn, văn minh.