Kể từ ngày dựng nước, nhân dân Việt Nam đã trải qua hàng trăm cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đô hộ từ nhiều phương đến. Cuộc đấu tranh có lúc thắng và không ít lần thất bại, nhưng cuối cùng dũng cảm đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.
Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hay kháng chiến bảo vệ đất nước bao giờ cũng kết thúc bằng một trận quyết chiến chiến lược, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Đó là chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… Chiến thắng nối tiếp chiến thắng, tạo nên truyền thống anh hùng của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, tô thắm trang sử vàng của nhân dân, ghi tiếp những chiến thắng lẫy lừng trong quá khứ và đặt cơ sở cho những chiến thắng tiếp sau (Ấp Bắc, Vạn Tường, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và chiến thắng mùa Xuân 1975) và những thắng lợi khác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa giáo dục… Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ là “cái quả” của truyền thống dân tộc và “cái nhân” của các chiến thắng tiếp sau. Cho nên, hiểu biết về chiến thắng Điện Biên Phủ là để hiểu sâu sắc hơn truyền thống dân tộc mà cốt lõi là truyền thống yêu nước và biến thành sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Trong hội nhập quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa việc giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết, ý thức về lịch sử dân tộc để vững bước ở hiện tại và tương lai là điều cần thiết và cấp thiết. Bởi vì, như Bác Hồ dạy:
“Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân kỉ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 – 2009, cuốn sách “chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, trong bộ sách này, với mục đích tưởng niệm những người đã anh dũng hy sinh cho chiến thắng và làm cho “các hế hệ sau Điện Biên Phủ” luôn ghi nhớ về một chiến công “chấn động địa cầu” để lập nên “nhiều chiến thắng Điện Biên Phủ” trong ngày nay và mai sau.
Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước...".
Qua hiểu biết do cuốn sách này mang lại, chúng ta càng biết ơn những anh hùng, chiến sĩ có tên và không tên, toàn thể nhân dân đã hy sinh cho đất nước, dân tộc, cách mạng. Cuộc đấu tranh của ông cha ta bao giờ cũng mang tính chất một cuộc chiến tranh nhân dân mà hình tượng tiêu biểu đầu tiên là cảnh "cả dân làng Phù Đổng theo Gióng đi đánh giặc Ân". Tiếp đó, là việc huy động lực lượng của hơn sáu mươi thành của Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định, giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ tàn khốc của phong kiến Hán. Kế thừa và phát triển đến đỉnh cao của chiến tranh nhân dân là cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ xâm lược do Đảng ta lãnh đạo.