Việt nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, phía bắc giáp nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, phía Tây và Tây Nam giáp các nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, phía Đông và phía Nam giáp Thái Bình Dương với 3.260 km đường bờ biển và khoảng trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Việt Nam rộng khoảng 330.000 km2 đất liền và phần biển rộng lớn gấp nhiều lần so với phần đất liền. Do có vị thế tự nhiên đặc biệt như vậy nên Việt Nam sớm trở thành một chiếc cầu nối giữa Châu Á và Thái Bình Dương, giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, nơi giao điểm của các luồng đường, luồng hàng từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc, nơi tiếp xúc và giao thoa của nhiều nên văn hóa, văn minh trên thế giới.
Sự tích Hồng Bàng giải thích nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là sự "kết duyên", hòa hợp của hai giống Tiên - Rồng. Tiên là Âu Cơ, thuộc Lục quốc ở trên cạn và Rồng là Lạc Long Quân thuộc Thủy quốc ở miền duyên hải, hải đảo. Những huyền thoại này được kiểm chứng bằng các di tích, di vật khảo cổ học phong phú, đa dạng và liên tục, xác nhận một thực tế hiển nhiên là cùng với quá trình hình thành đất nước, con người Việt Nam tổ tiên ta đã đồng thời khai chiêm hai cã núi rừng, đồng bằng và biển cả, đã triệt để khai thác và thích nghi với điều kiện tự nhiên, tạo nên thế mạnh căn bản của cộng đồng ngay từ thuở khai sinh.
Việt Nam hiện nay có 54 dân tộc người với hơn 80 triệu dân, trong đó riêng người Kinh (hay người Việt) chiếm khoảng 86% và 53 tộc người thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Về phương diện ngôn ngữ, các dân tộc người sinh sống trên đất Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ cùa các hệ Nam Á, Thái, Nam Đảo và Hán Tạng như: Môn - Khơme, Việt - Mường, Mông - Dao, hỗn hợp Nam Á, Tày - Thái, Tạng - Miến, Hán, Nam Đảo. Lãnh thổ và cư dân Việt Nam được hình thành và định hình trong tiến trình lịch sử đất nước.