Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Sức sống và sự trường tồn của dân tộc trước bao biến cố, thử thách đã chứng tỏ tính bền vững của bản sắc dân tộc - đặc trưng cơ bản nhất tạo nên sức mạnh của nền văn hóa Việt Nam.
Lịch sử tư tưởng Việt Nam xuất phát từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh lâu dài đó, lịch sử tư tưởng Việt Nam đã hình thành một hệ giá trị có tính phổ biến, thường xuyên chi phối sự phát triển của dân tộc, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, chống áp bức, bóc lột của nhân dân ta.
Với mong muốn góp phần đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu bộ môn lịch sử triết học, đồng thời làm sáng tỏ sự chuyển biến tư tưởng Việt Nam trong thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, cuốn sách Tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX đã được ra mắt bạn đọc. Cuốn sách tập hợp các bài tham luận của các tác giả trong cuộc hội thảo cùng tên.
Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp cận với nhiều lối viết, nhiều cách phân tích khác nhau cùng sự lập luận đa dạng, nhiều chiều của các tác giả và ở đó độc giả sẽ nhận thấy rằng, việc tìm lại những giá trị tư tưởng Việt Nam trong một thời kỳ không chỉ là cuộc hành hương mà còn là một sự đồng thoại với người xưa mang ý nghĩa nối tiếp và giao lưu giữa hiện tại và quá khứ. Sự đồng thoại này không chỉ ca ngợi, tôn vinh mà còn là một cái nhìn phê phán, theo ý nghĩa tích cực nhất của nó.
Từ điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ XV đến thế kỷ XIX có thể hình dung một đặc điểm rất cơ bản của tư tưởng Việt Nam thời kỳ này bằng hình ảnh một hiền triết cô đơn trầm tư, đang cố lắng nghe, cảm nhận những chuyển dịch của thời thế. Hầu hết những tư tưởng thời kỳ này đều là những kẻ sĩ, xuất thân từ cửa Khổng, sân Trình nhưng lại không chấp nhận những khuôn mẫu xơ cứng của Nho giáo, cố tìm lối đi mới trong tam giáo. Đến đời Lý – Trần đã tìm thấy gương mặt tư tưởng đầy hào khí của mình qua tinh hoa các học thuyết triết lý Nho, Đạo, Phật đã làm nên cả một thời "Đại Việt". Các thế hệ tiếp theo, sau một thời gian độc tôn Nho giáo, góp phần làm nên tư tưởng Việt Nam về ý thức độc lập dân tộc, trách nhiệm công dân trước quốc gia, hoài bão lập công, ý chí tu thân, lập nghiệp của Nho sĩ trở nên rõ ràng, sâu sắc, cụ thể hơn, nó tạo ra những sĩ phu đầy khí hạo nhiên, hoài bão lớn, lý tưởng đẹp, biết vượt trên danh, lợi, quyền uy vì lợi ích dân tộc. Song chính sự độc tôn Nho giáo đã ràng buộc các như tư tưởng vào những chuẩn mực đạo đức. Và cái lỗi lầm lớn nhất của sự độc tôn Nho giáo là gì, nguyên nhân sâu xa về mặt tư tưởng dấn đến sự trở về tam giáo các nhà tư tưởng thế kỷ XVII, XVIII là do đâu?... Tất cả sẽ được thể hiện rõ qua các bài tham luận của các tác giả.
Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc học hỏi và khai thác được nhiều vấn đề tư tưởng của một thời kỳ đã đi vào lịch sử dân tộc. Do vậy, có thể nói, những bài tham luận trong hội nghị khoa học triết học thực sự là một sự đồng hành, cùng đi, cùng nhìn, cùng xới lật cuộc truy tìm những giá trị mới của các nhà tư tưởng.