Việt Nam sử lược do học giả Trần Trọng Kim biên soạn năm 1919, là công trình sử học đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ có giá trị, hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước Việt Nam một cách đầy đủ, khách quan, súc tích và dễ hiểu, có những đóng quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, dạy và học lịch sử nước nhà suốt thế kỷ qua.
Việt Nam sử lược phản ánh các diễn biến lịch sử, từ thời đại này sang thời đại khác. Trần Trọng Kim khéo léo sắp xếp việc phân kỳ tiện với trí nhớ phổ thông mà không gây ảnh hưởng đến các vấn đề quan điểm lập trường của người viết cũng như người đọc. Ông không theo cách sắp xếp của các sử gia cũ, chia theo kiểu Tiền biên, Chính biên. Ông cũng căn cứ vào các triều đại, chia thành quyển: Quyển I: Thượng cổ thời đại; Quyển II: Bắc thuộc thời đại, Quyển III, IV: Tự chủ thời đại, Quyển V: Cận kim thời đại. Ở từng thời đại, ông điểm đến các triều nhà Lý, Trần, Lê, Nguyễn và ghi chép theo các đời vua, phản ánh tình hình. Có triều vua viết ngắn chỉ mấy dòng, có triều vua được viết dài hơn và cố giữ lấy sự khách quan trong nhận định. Cách phân chia như vậy cho người đọc thấy rõ ràng hơn các diễn biến của những thời kì khi cần tra cứu, và không bị ảnh hưởng bị ác cảm hay thiện cảm với triều đại. Những chuyện gây hấn, xâm lược, thủ đoạn tốt xấu… đều được kể ra một cách tự nhiên. Các nhà Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều được điểm đến như nhau theo một giọng văn đều đặn.
Việt Nam sử lược ra đời đã giành ngay cảm tình của giới nghiên cứu. Do những lý do khác nhau, trong thời gian dài ở miền Bắc Việt Nam, công trình sử học này bị “xếp xó” vào “góc khuất lịch sử”, mãi đến hơn chục năm gần đây mới bắt đầu được tái bản trở lại. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh khác nhau, những lần in trước đây đã không theo đúng nguyên tác của tác giả: hoặc cắt bỏ từng phần, hoặc lược đi nhiều câu, đoạn, chi tiết và đều bỏ, không in toàn bộ tiếng Hán cùng Bảng phả hệ, phần Phụ lục, Sách dẫn…của công trình. Trong lần tái bản này, Trung tâm VHNN Đông Tây chủ trương khôi phục lại toàn bộ tác phẩm như nguyên bản đã công bố và dựa chủ yếu vào bản in năm 1971 do Trung tâm Học liệu xuất bản, đồng thời có tham khảo các bản in khác. Bản in lần này được Trung tâm VHNN Đông Tây biên tập hoàn chỉnh, khôi phục hệ thống chữ Hán đã bị bỏ qua và chỉnh sửa những sai sót trong những lần in trước. Những người làm sách đã rất nỗ lực để đưa đến độc giả một cuốn sách có giá trị hoàn chỉnh.