Sử cũ ngồn ngộn sự kiện và tư liệu. Những cây đại bút của cha ông đã dày công chắt lọc và ghi chép những gì xét thấy hữu ích cho đời sau. Một lời khen là nột lời nhắn nhủ con cháu hãy cố gắng noi theo, một lời chê là một lần răn đe nghiêm khắc hậu thế rằng chớ bắt chước mà thân bại danh liệt. Lời khen không ngại ban cho cả những người vô danh, sống lầm lũi ở dưới đáy của xã hội, lời chê cũng chẳng sợ uy quyền, thẳng thắn cả với những bậc chễm chệ trên ngôi cao tước cả. Công bồi đắp nền đạo lí của sử sách ngàn xưa thật là lớn lao, tâm thành của các bậc tiên hiền thật là khả tính. Mỗi trang sử cũ là một phần tâm huyết của cha ông, là một góc của kho di sản văn hóa vô giá mà tổ tiên thường trao lại.
Nhưng, hẳn bạn đọc cũng đều biết, tổ tiên kí thác tâm ý của mình qua những trang chữ Hán. Chính sử viết bằng chữ Hán với hàng loạt những điển lệ chặt chẽ khiến cho việc cảm nhận rất khó khăn. Ngày nay Hán học đã suy tàn, cũng phải gian nan lắm, hậu sinh mới có thể hiểu được. Bởi lí do đó, nếu bạn thấy tác giả của bộ "Việt Sử Giai Thoại" có chỗ nào đấy tỏ ra bất cập, thì xin hãy rộng lượng bỏ qua và vui lòng chỉ giáo cho.
"Việt Sử Giai Thoại" vốn có nguồn gốc trực tiếp từ các bộ chính sử, nhưng bản thân các giai thoại chỉ giữ vị trí rất khiêm nhượng là bổ sung cho chính sử mà thôi. Ghép tất cả những giai thoại này lại, dẫu công phu và chính xác bao nhiêu, bạn cũng chẳng thể có được một dòng mạch lạc nào đó của lịch sử. Nhưng, nếu đã có một dòng mạch lạc nào đó của lịch sử mà bạn chưa có những giai thoại này, tất cả sẽ trở nên khô khan, thiếu sức sống và do vậy, rất dễ đi vào quên lãng